Đời Tu
CHỮ “ TIỀN” TRONG ĐỜI TU
Thánh Antonino Giám mục của vùng Firenze nước Ý kể lại câu chuyện mà chính mắt ngài chứng kiến như sau:
Một hôm, ngài đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một vị Thiên Thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng này thì được biết gia đình ấy tuy rất nghèo nhưng lại rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antonio động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng một số tiền vừa đủ để gia đình này có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo.
Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy, ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỷ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào cha sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài được biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỉ và độc ác, khinh bỉ xua đuổi những người nghèo khổ láng giềng ngày xưa. Hiện tại, họ lại còn thêm thói ăn chơi trụy lạc. Thánh nhân rất đau buồn, và quyết định cắt đứt mọi trợ cấp để mong họ sớm nhận ra và quay trở lại nẻo chính đường ngay.
Nghe câu chuyện trên có nhiều người sống đời thánh hiến sẽ nghĩ: “ Ôi! Đó là chuyện của thế gian, chứ những người tu hành như tôi làm gì có”. Chưa chắc, nếu chúng ta không sống đúng với ơn gọi của mình, thì chúng ta cũng sẽ rất dễ rơi vào trình trạng như vậy.
Sức mạnh của đồng tiền nó mãnh liệt lắm, nên dân gian mới có câu: “ Có tiền mua tiên cũng được”. Người đời họ cứ sáng mở mắt ra là phải suy nghĩ xem hôm nay làm được bao nhiêu tiền, có đủ sống không…? Và khi làm ra được tiền rồi thì lại bắt đầu hưởng thụ.
Còn tu sĩ chúng ta thì sao?
Đi tu có cần tiền không? Chắc chắn câu trả lời là có và rất cần. Vì có tiền mới nuôi sống được các thành viên trong hội Dòng, có tiền để làm bác ái, có tiền để làm công việc truyền giáo… Nhưng nếu đời tu mà chỉ nghĩ đến tiền thì đời tu đó xem như hỏng. Tiền là phương tiện chứ không phải là mục đích cuối cùng của đời tu, chính Thiên Chúa mới là mục đích tối hậu và là cứu cánh của đời tu chúng ta, thế nhưng có rất nhiều người đi tu lại xem đó là mục đích cuối cùng của đời mình. Một khi ta xem nó là mục đích tối hậu thì ta sẽ làm đủ mọi cách để đạt được nó, và dần dần nó trở thành ông chủ đời tu của ta chứ không phải là Chúa nữa.
Chúng ta có dám như Thánh Phanxicô Assisi bỏ mọi sự để bước theo Chúa, và sống nghèo khó một cách tận căn?. Chúng ta cứ nói đi theo Chúa là phải bỏ hết mọi sự, nhưng nếu xét cho cùng chúng ta đã dám bỏ hết chưa, hay chúng ta lại vun đắp lại cho mình còn nhiều hơn nữa?.
Là người tu sĩ để thật sự thoát khỏi vòng nô lệ của tiền bạc thì chỉ có một cách duy nhất đó là hướng về Chúa là cứu cánh cuối cùng của đời mình. Và một khi chúng ta thật sự sống kết hiệp với Chúa, thì những của cải thế gian này chỉ là hư vô. Và chúng ta cũng tin chắc một điều rằng, nếu chúng ta dám bỏ hết của cải thế gian mà theo Chúa, thì Chúa cũng không bao giờ để chúng ta phải thất vọng.
Tiền là quan trọng, nhưng không phải là cứu cánh của mỗi người. Nếu mỗi tu sĩ chúng ta biết sử dụng nó, thì nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho ta. Còn nếu ta xem nó là mục đích tối hậu của cuộc đời thì đời tu của ta cũng sẽ tàn dần vì nó. Vì thế, hãy sáng suốt để giữ mình không bị lôi kéo vào những đam mê của tiền bạc, vì chỉ khi nào chúng ra làm được như vậy thì đời tu của ta mới có ý nghĩa và chúng ta mới tìm được hạnh phúc đích thực nơi chính Thiên Chúa là cứu cánh của đời ta.
Anphongsô Trần Thanh Phong