Đời Tu

ĐỜI TU LÀ SỰ LY THOÁT HAY NHẬP THẾ?

Ngày 20.10 vừa qua, mình có dịp tham dự một buổi cầu siêu cho một gia đình Phật giáo nhân ngày giỗ của một người ông, sau giờ cầu kinh của quý sư tăng ny, mình cũng được ngồi cùng bàn với các sư thầy trong bữa cơm chay đạm bạc. Bầu khí thân tình và ấm áp qua sự chia sẽ, thăm hỏi về đời tu của nhau, cũng như sự liên đới trong tình thân gia đình. Nhân cơ hội này, mình muốn biết qua cách nghỉ và sống đời tu bên Phật giáo như thế nào nên quay sang hỏi sư ngồi bên cạnh:
Thầy ơi, Thầy đã xuất gia nhiều năm rồi, Thầy còn nhớ động lực ban đầu để mình ly thoát gia đình mà đến với cửa Phật không Thầy?
Sư nhẹ nhàng trả lời: Đó là ký ức không thể quên được, lúc đó sư nhận thấy cuộc đời vô thường quá, có đó rồi mất đó nên xin cha mẹ cho vào Chùa tu để tìm sự giải thoát.
Muốn hiểu thêm về Sư, nên mình hỏi tiếp: Dạ, cho đến hôm nay, với bao năm sống với Phật pháp, Thầy vẫn còn nuôi dưỡng tâm tình đó hay có mở thêm cho mình quan niệm khác về đời tu không Thầy?.
Sư ôn tồn nhưng lời nói rất say sưa như bài thuyết pháp: Có chứ! mỗi giai đoạn là một cảm nghiệm mới trong hành trình tu tập, chân nhận dần những giá trị bản thân và trần thế, để mình loại trừ dần tính tham sân si nơi bản ngã của mình, và phát huy trí huệ, sống kỷ xả từ bi để tâm mình luôn an lạc, rũ bỏ mọi phiền não âu lo…
Mình cắt ngang ý sư: và cho đến bây giờ, Thầy vẫn giữ quan niệm sự vô thường của thế gian và thái độ thoát ly là đúng?
Sư gật đầu xác quyết: Đúng là vậy, vô thường, vô minh… gây nên đau khổ kiếp người, mình phải sáng suốt để tâm mình luôn chánh niệm và đạt cảnh giới luôn thanh tịnh, không màn đến nhân tình thế thái…
Cuộc đối thoại trên chỉ phản ánh phần nào vài khía cạnh trong đường lối tu trì của Phật giáo, nhưng nếu có cái nhìn sâu xa hơn dưới lăng kính đời tu trì Kitô giáo, thì rõ ràng vẫn còn khập khểnh và thiếu rất nhiều điều mà người tu sĩ Kitô giáo phải đạt được. Chẳng hạn, quan niệm của Phật giáo đời là bể khổ, thế gian là vô thường nên tìm cách thoát ly; còn với Kitô giáo, chính Đức Giêsu đã từ trời cao đến với thế gian, sống trong thân phận con người, hầu đem ơn cứu độ và sự giải thoát cho toàn thể chúng sinh. Đời tu Phật giáo nhằm tìm sự thanh tịnh, an lạc tâm hồn và sống thanh thoát, còn Đức Giêsu thì lại sống trong thân phận hòa nhập vào đời, đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đó, gánh lấy bao tội lỗi của nhân loại để rồi chấp nhận nhục hình và chết nhục nhã trên thánh giá để giao hòa mọi tạo vật với Thiên Chúa là Cha.
Là tu sĩ được Thầy Giêsu mời gọi hãy sống những gì mà Thầy đã sống, hãy làm những gì mà Thầy đã làm và chấp nhận những chén đắng cùng với Thầy trong ý định của Chúa Cha. Thế nên, đời tu không dừng lại trong việc tìm sự giải thoát, an nhàn cho bản thân, cũng không xa lánh thế trần, mà phải nhập thế trong tinh thần của thánh Phao lô: “Vui với người vui, khóc với người khóc”, và sẵn sàng lấy những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của những người đau khổ, người nghèo làm của mình như lời mời gọi trong phần mở đầu của hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
Ngoài việc hiến thánh cho Thiên Chúa và được sống trong ơn gọi tu trì, tu sĩ còn được Chúa mời gọi mang sứ mạng đem Tin Mừng và ơn cứu độ đến cho tha nhân, luôn mặc lấy tâm tình của người được sai đi. Trong phần mở đầu sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày thế giới truyền giáo năm 2017 này, Ngài giới thiệu “Đức Giêsu là Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”, đồng thời kêu gọi con cái hãy đặt câu hỏi, chất vấn lương tâm về trách nhiệm của mình trước một thế giới xa đọa với bao hỗn loạn và thất vọng của con người; rồi Ngài cũng khẳng định việc truyền giáo là khơi dậy linh đạo của sự lên đường, lữ hành và đọa đày liên tục, bởi vì phải ra khỏi vùng đất tiện nghi của chính mình để đến với những vùng ngoại vi cần đến ánh sáng Tin Mừng, nhất là Hội Thánh của Chúa Kitô phải là một Hội Thánh bị bầm dập, mang nhiều thương tích thì tốt hơn là một Hội Thánh bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.
Đời tu Kitô giáo khởi nguồn từ tiếng gọi của Tình Yêu, người tu sĩ được thúc bách, bị lôi cuốn bởi mầu nhiệm nhập thế và đời sống của Thầy Giêsu, khát khao được ở bên Ngài, sống thân tình với Ngài trong sự thánh hiến của Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần soi dẫn; để rồi, cùng bước với Thầy Giêsu trên đường khổ nạn để thể hiện trọn nghĩa của chữ “Yêu” là hiến dâng mạng sống mình hầu đem ơn cứu độ cho thế gian. Mong rằng anh chị em tu sĩ hôm nay, dù trong linh đạo nào, trong môi trường sống nào cũng luôn tâm niệm và sống trọn vẹn với ơn gọi đời thánh hiến, là đem Chúa đến cho mọi người, tái lập lại cảnh sống địa đàng mà Chúa đã ban cho ông bà nguyên tổ, để cuộc sống luôn an vui, hạnh phúc và con người sẽ không còn cảm thấy thế gian này là bể khổ nữa.
Paul Nguyễn Thảo

Related Articles

Close