Ơn Gọi
Những câu nói hay và cần nhớ trong việc cải tổ giáo xứ để Loan báo Tin Mừng
NHỮNG CÂU NÓI HAY VÀ CẦN NHỚ
TRONG VIỆC CẢI TỔ GIÁO XỨ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
(Trích trong Huấn thị Cải tổ Giáo xứ của Bộ Giáo sĩ năm 2020)
Linh mục Micae Nguyễn Khắc Minh tổng hợp
1/ Nếu có điều gì khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là việc có rất nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi từ tình bằng hữu với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không còn ý nghĩa và mục đích cho đời sống của họ. [Số 3]
2/ Thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ mình bị giam hãm trong những cơ chế an toàn giả tạo, khiến chúng ta thành quan toà khắc khe. [Số 3]
3/ Đức Kitô không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi”. [Số 3]
4/ Để cho hành trình của Ngôi Lời được tiếp tục, cộng đoàn Kitô hữu phải có một quyết định truyền giáo dứt khoát có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, cách hành động, giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là để tự bảo tồn. [Số 5]
5/ Việc chăm sóc các linh hồn phải luôn thấm nhuần tinh thần truyền giáo. [Số 12]
6/ Việc Loan báo Tin Mừng trở thành là trục trung tâm của mọi hoạt động mục vụ. [Số 12]
7/ Đòi hỏi của việc Loan Báo Tin Mừng là cơ bản, quan trọng nhất và ưu tiên nhất. [Số 12]
8/ Giáo xứ phải khích lệ và đào tạo để các thành viên trở nên người loan báo Tin Mừng. [Số 12]
9/ Linh mục, là người cùng với giáo dân, có nhiệm vụ trở thành “muối và ánh sáng trần gian” (x. Mt 5,13-14), một “ngọn đèn đặt trên đế” (Mc 4,21), soi tỏ khuôn mặt của một cộng đoàn Loan báo Tin Mừng, có khả năng đọc được các dấu chỉ của thời đại và làm chứng bằng lối sống thuyết phục theo Tin Mừng. [Số 13]
10/ Giáo xứ cần phải tìm ra những hình thức mới để đồng hành và gần gũi qua các sinh hoạt thường ngày. [Số 14]
11/ Mô hình giáo xứ hiện thời không còn đáp ứng được những kỳ vọng của các tín hữu nữa. [Số 16]
12/ Bất cứ hoạt động mục vụ nào mà chỉ giới hạn trong lãnh thổ của giáo xứ đều trở nên lỗi thời, đó là điều mà chính người giáo dân nhận thấy khi giáo xứ của họ có vẻ bảo thủ chỉ biết hoài cổ thay vì bạo dạn hướng về tương lai. [Số 16]
13/ Nếu giáo xứ không sống tinh thần năng động loan báo Tin Mừng thì có nguy cơ tự quy chiếu vào chính mình và xơ cứng. [Số 17]
14/ Làm sao cho Lời Chúa và đời sống bí tích có thể chạm tới từng người tuỳ theo bậc sống của họ. [Số 18]
15/ Thánh Kinh hàm chứa một sức mạnh mang tính tiên tri khiến cho Lời Chúa luôn đầy sức sống. Cho nên giáo xứ cần phải hướng dẫn các tín hữu biết đọc và suy gẫm Lời Chúa qua nhiều phương thức khác nhau để rao truyền. [Số 21]
16/ Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo”. [Số 22]
17/ Cả việc dạy Giáo lý cũng cần phải được trình bày như một sự công bố liên tục Mầu nhiệm Đức Kitô, nhằm nuôi dưỡng tâm hồn người tín hữu, làm cho tầm vóc Đức Kitô lớn lên mãi (x. Ep 4,13) qua việc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa của sự sống. [Số 23]
18/ Thời đại ngày nay vốn được ghi dấu bởi sự thờ ơ, cá nhân chủ nghĩa và không chấp nhận người khác, nên việc tái khám phá tình huynh đệ là rất quan trọng và cần thiết vì sứ vụ Loan báo Tin Mừng, gắn bó mật thiết với các mối quan hệ nhân linh. [Số 24]
19/ Giáo xứ cần phải là “nơi chốn” đặc biệt cho sự gắn kết mọi người với nhau và nuôi dưỡng các mối tương quan cá nhân lâu bền, từ đó giúp người ta cảm nhận mình thuộc về và được yêu thương. [Số 25]
20/ Cộng đoàn giáo xứ được thực sự mời gọi phát huy nghệ thuật cảm thông… và là một trung tâm thừa sai thường xuyên phải đi Loan báo Tin Mừng. [Số 26]
21/ Phải nhìn nhận rằng: lời kêu gọi các giáo xứ của chúng ta xét mình và canh tân vẫn chưa đủ sức để các giáo xứ đến gần người dân hơn, để giáo xứ trở thành môi trường sống hiệp thông và tham gia, và làm cho giáo xứ hoàn toàn hướng về việc truyền giáo. [Số 29]
22/ Là một ‘thánh điện’ rộng mở cho mọi người, giáo xứ được mời gọi vươn ra đến với mọi người, không trừ ai, cần phải nhớ rằng người nghèo và người bị loại trừ phải luôn luôn chiếm vị trí ưu tiên trong lòng Hội Thánh. [Số 32]
23/ Các linh mục, phó tế và tu sĩ phải là những người trước hết biết chạnh lòng thương đến “thân xác đầy thương tích” của anh chị em mình, thăm viếng những người đau yếu, nâng đỡ người thất nghiệp và gia đình họ, từ đó mở rộng cửa cho những ai khốn khó. [Số 33]
24/ Trong tiến trình canh tân và tái cơ cấu, giáo xứ phải tránh nguy cơ rơi vào bệnh quan liêu quá hình thức trong tổ chức các sự kiện, cùng với các hoạt động không thể hiện tính năng động của việc Loan báo Tin Mừng, mà chỉ dựa trên tiêu chuẩn tự bảo tồn. [Số 34]
25/ Để trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô, các mục tử và đặc biệt các cha xứ là những “cộng sự viên đặc biệt của Giám mục”, phải biết rõ nhu cầu cấp bách cải cách các hoạt động mục vụ theo hướng truyền giáo. [Số 35]
26/ Việc tái cơ cấu này không chỉ thuộc trách nhiệm của cha sở, cũng không thể được áp đặt từ bên trên, mà không quan tâm đến Dân Chúa. [Số 37]
27/ Mỗi khi chúng ta muốn thay thế, bịt miệng, xóa hủy, làm lơ, hoặc thu hẹp toàn thể Dân Chúa vốn đa dạng vào một nhóm ưu tuyển, thì chúng ta đang xây dựng cộng đoàn vô hồn. [Số 37]
28/ Chính toàn thể cộng đoàn là chủ thể chịu trách nhiệm về việc truyền giáo, vì Hội Thánh không chỉ là hàng giáo phẩm, mà là toàn thể Dân Thiên Chúa. [Số 38]
29/ Với tư cách là thành viên và là người phục vụ Dân Chúa đã được giao phó, linh mục không thể loại bỏ sự hợp tác của người giáo dân. Cộng đoàn giáo xứ có quyền đề nghị các hình thức thừa tác vụ, để loan báo đức tin và làm chứng cho đức ái. [Số 39]
30/ Người mục tử, khi quảng đại phục vụ đàn chiên, cũng phải dạy dỗ các tín hữu sao cho mỗi thành viên trong cộng đoàn cảm thấy mình có trách nhiệm và trực tiếp tham gia để đáp ứng các nhu cầu của Hội Thánh. [Số 40]
31/ Khi trải nghiệm đời sống cộng đoàn, căn tính linh mục được củng cố, người linh mục bớt lo lắng đến đời sống vật chất hơn, và cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân nhường chỗ cho các tương quan cá vị sâu sắc. [Số 64]
32/ Cần phải nhớ rằng cha sở phục vụ giáo xứ chứ không phải giáo xứ phục vụ cha sở. [Số 69]
33/ Người giáo dân ngày nay được mời gọi quảng đại dấn thân phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, trước hết bằng việc làm chứng tá cách chung trong đời sống thường nhật phù hợp với Tin Mừng, trong mọi môi trường họ sống và trên mọi cấp độ trách nhiệm khác nhau; và sau đó cách đặc biệt, họ dấn thân phục vụ cộng đoàn giáo xứ. [Số 86]
34/ Cha sở cần được những cộng sự viên giúp đỡ trong việc quản trị tài sản của Hội Thánh trước hết với nhiệt tâm Loan báo Tin Mừng và tinh thần truyền giáo. [Số 101]
35/ Hội đồng Mục vụ không thể chỉ là một cơ quan hành chánh, nhưng phải làm Dân Thiên Chúa nổi bật ở vị trí trung tâm và giúp thể hiện điều đó. Dân Chúa là chủ thể và là những người giữ vai trò tích cực trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng, bởi từng tín hữu thành viên đã đón nhận ơn của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thêm Sức. [Số 110]
36/ Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở, mục đích chính yếu của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ không phải là tổ chức Hội Thánh, nhưng là khát vọng truyền giáo muốn vươn đến với hết thảy mọi người. [Số 110]
37/ Không để cơ chế giáo xứ lịch sử bị giam hãm bất động hay đóng khung trong những việc mục vụ quen thuộc nhàm chán, nhưng trái lại, cần sống sự “năng động đi ra”, bằng cách cùng hợp tác giữa các cộng đoàn giáo xứ khác nhau và sống tình hiệp thông được củng cố giữa giáo sĩ và giáo dân, như thế giáo xứ mới được định hướng một cách hữu hiệu hướng đến sứ vụ Loan báo Tin Mừng. [Số 123]
38/ Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta khẩn cầu Đức Maria, Mẹ của công cuộc Loan báo Tin Mừng, để Đức Trinh Nữ giúp chúng ta thưa tiếng “xin vâng” của mình, ý thức nhu cầu cấp bách làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu vang lên trong thời đại chúng ta. [Số 124]
Nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo
Cần Thơ 23.10.2022