Chia SẻSuy Tư

Người Kitô Hữu Đảm Nhận Sự Thách Đố Của Tình Yêu

Đức mến, nhân đức đối thần, là nhân đức mà mỗi Kitô hữu được mời gọi để yêu mến Thiên Chúa vì chính Ngài, và yêu tha nhân vì chính Thiên Chúa – nghĩa là, mỗi tín hữu yêu mến Thiên Chúa trong tha nhân. Họ mặc lấy “tư tưởng của Đức Kitô” (xem 1 Cr 2,16; Rm 12, 2), lấy Thánh ý Thiên Chúa làm ý của chính mình – chiêm ngắm mọi sự như Thiên Chúa nhìn ngắm, và yêu mến thọ tạo theo cách của Thiên Chúa. Không những thế, mỗi kitô hữu biến những nhu cầu, những niềm vui, nỗi buồn, và cả những khát vọng của tha nhân thành của mình, coi mọi điều tốt lành của tha nhân như thể của chính họ.

Hành trình đến Thiên chúa

Khi bắt đầu hành trình đến với Thiên Chúa, chúng ta thường vâng phục vì sợ hãi – sợ hỏa ngục – chứ chưa khởi phát từ tình yêu. Nghĩa là, chúng ta thường vâng lời bằng sự sợ hãi của “người nô dịch” (tức là sợ hình phạt). Tại sao các trẻ nhỏ, ít là ở các thời kỳ đầu, vâng lời cha mẹ? Bởi vì chúng không muốn phải nhận hình phạt. Tuy vậy, nỗi sợ hãi của “lòng hiếu” có thể được thúc đẩy bởi lòng yêu mến – người ta thường sợ làm thất vọng hoặc xúc phạm đến những người mà họ tôn trọng và yêu thương nhất.

Thêm nữa, trong những giai đoạn sơ khởi, chúng ta chưa yêu mến Thiên Chúa vì chính Ngài. Thiên Chúa sẽ đánh động chúng ta trước, bằng những an ủi tinh tế – những chuyển động giúp chúng ta cảm thấy được gần gũi Thiên Chúa hơn. Thiên Chúa Cha ban nguồn an ủi nồng nàn và thương mến giúp chúng ta tiếp tục yêu mến và được mạnh sức hơn. Tuy vậy, dù ơn an ủi thật quan trọng nhưng chúng ta không thể tìm kiếm ơn an ủi như là những cùng đích. Khi nhận được ơn an ủi, chúng ta sẽ vui mừng; nhưng sau đó, ở một thời điểm nhất định, Thiên Chúa lại rút ơn an ủi như một cách giúp chúng ta sống trưởng thành và sống yêu mến cách triệt để hơn. Rốt cuộc, chúng ta không chỉ yêu mến Thiên Chúa vì những ơn an ủi; nhưng qua ơn an ủi, chúng ta nhận biết chính Thiên Chúa là nguồn ban phát mọi ơn lành.

Tình yêu nhân bản

Tình yêu, dầu có thể đi kèm với cảm xúc, nhưng nó không chỉ là một cảm xúc hay cảm giác. Như đã đề cập, tình yêu hệ tại ở việc mưu cầu sự tốt lành của tha nhân như thể là của chính mình. Những nhu cầu của người khác trở thành nhu cầu của tôi – những mục tiêu của họ là mục tiêu của tôi, những niềm vui và những nỗi buồn của họ là của tôi. Như thế, tình yêu vốn dĩ có sự nối kết, làm tất cả trở nên một tâm trí.

Những trở ngại cho tình yêu

Sự đố kỵ đối lập trực tiếp với tình yêu (xem 1 Cr 13, 4). Đố kỵ là buồn phiền trước lợi ích của người khác; nó thường được nhận biết bằng những thái độ cụ thể: “Nếu tôi không thể có điều này, tôi cũng không muốn người khác có.” Như thế, sự đố kỵ vốn là sự chia rẽ: lợi ích của tôi không thể bao hàm lợi ích của người khác, và lợi ích của họ là sự mất mát của tôi.

Hơn nữa, mỗi ngày, mỗi người cần phải vượt lên và làm chủ những phản ứng bộc phát theo cảm xúc. Ví dụ, lối phản ứng vô cùng nguy hại trong đời sống hôn nhân là “lối giải thích tiêu cực”, vợ hay chồng diễn giải động cơ của người bạn đời một cách quá tiêu cực. Nếu việc giải thích tiêu cực đủ mạnh, người khác chẳng thể làm gì được nữa, bởi tất cả hành động của họ sẽ bị diễn giải qua lăng kính tiêu cực: những lý giải tích cực bị bỏ qua một bên và những lời diễn giải tiêu cực trở thành tâm điểm; và điều ấy tạo nên một vòng xoáy tiêu cực khiến người ta khó bề thoát khỏi.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Chủ động tìm kiếm những điểm tích cực khi có những quan điểm đối lập. Chúng ta thường “chộp lấy” điểm thuộc về hành vi của người bạn đời mà những điểm ấy củng cố cho cái thành kiến sẵn có trong chúng ta – chỉ giữ khư khư điểm nào củng cố cho điều chúng ta đã nghĩ trước đó, đồng thời phớt lờ những điểm tốt đẹp khác nơi người bạn đời. Nhưng nếu chúng ta có thể vượt lên trên những phản ứng cảm xúc tự phát và cố gắng tìm ra những điểm tích cực chống lại những giả định tiêu cực vốn tồn tại trong chúng ta ngay từ đầu, chúng ta sẽ nhận ra những thiện chí nơi ngời bạn đời của mình; và như thế, yếu tố có thể gây nên vòng xoáy tiêu cực sẽ bắt đầu chìm xuống. Thế nhưng để thắng vượt những phản ứng tức thời mang tính cảm xúc và làm chủ những ước muốn, lời nói hay những hành động gây tổn thương người khác, người ta vẫn cần đến một đức mến trổi vượt, cao vời.

Như đã đề cập, đức mến là nhân đức tối hậu để mỗi người yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự, bao gồm cả những người bạn đời – trao hiến tình yêu chung thủy vô điều kiện. Và Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sức mạnh để thực hiện điều này bằng cách tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta (Rm 5, 5). Vì đây không đơn thuần là tình yêu của con người, nên nó cũng không thể được thực hiện chỉ bằng khả năng của con người.

Làm thế nào để chúng ta có thể vượt lên trên các phản ứng cảm xúc tức thời trong thế giới hôm nay và có thể chọn con đường tình yêu cao hơn – coi người khác trọng hơn mình?

Nguồn: https://www.magiscenter.com/a-christian-take-on-love/

Chuyển ngữ: Pr. Nguyễn Văn Đương, SJ

Related Articles

Close