Lược Sử
LƯỢC SỬ DÒNG KITO VUA
A – NGUỒN GỐC THẦY GIẢNG –TIỀN THÂN CỦA HỘI DÒNG
I – Tổ Chức Thầy Giảng Của Các Cha Thừa Sai Thế Kỷ 16 –17
Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 16 sang đầu thế kỷ thứ 17, chính sách đối ngoại của các nhà cầm quyền Việt Nam tương đối mềm dẻo. Vì thế trong khoảng thời gian này, đã có nhiều nhà truyền giáo tây phương, theo chân các thuyền buôn, vào truyền giáo tại Việt Nam. Các ngài là những thừa sai thuộc các dòng truyền giáo Đa minh, Phanxicô và dòng Tên[1]. Do bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, quyền lực bị chia năm sẻ bảy, các phe nhóm đều lo củng cố binh mã, ít để ý đến vấn đề tôn giáo, nên các thừa sai được tự do phần nào trong công cuộc truyền giáo. Nhờ tích cực hoạt động, cộng với gương đạo đức thánh thiện của các thừa sai mà số người Việt xin gia nhập đạo ngày càng đông. Họ thuộc đủ mọi thành phần dân chúng trong xã hội, có cả những bậc vị vọng trong triều đình nhà Lê và các sư sãi của các đình chùa[2]. Số người học đạo ngày càng đông trong khi số các cha thừa sai thì lại ít. Có cha mỗi ngày phải giảng dạy từ 4 đế 6 lớp người học[3]. Trước một đòi hỏi mang tính cấp bách, các cha thừa sai quyết định huấn luyện một số người bản xứ, để họ phụ giúp các ngài trong việc giảng dạy cho những người xin gia nhập đạo. Đó chính là tổ Chức Thầy Giảng của các cha thừa sai tại Việt Nam.
CHA ĐẮC LỘ
Trong số các Tổ Chức Thầy Giảng lúc bấy giờ, có hai tổ chức nổi bật hơn cả. Một là của cha Buzomi, thuộc miền nam Việt Nam; một của cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), thuộc miền bắc việt nam.
Cha Buzomi, người thành Napoli, thuộc dòng Tên, được sai đến truyền giáo tại Nhật, nhưng đã bị nhà cầm quyền Nhật trục xuất do phong trào bài ngoại tại đây. Trong thời gian chờ đợi ở Macao, Ngài được Bề trên phái sang Việt Nam cùng với cha Diego Carvalho. Cùng đi với hai cha có một số tín hữu người Nhật. Sau một thời gian, các Ngài tới Phố Hải, vùng đất thuộc quyền của Chúa Nguyễn. Tại đây, cha Buzomi cất một nhà nguyện cho giáo dân Nhật kiều và cho các thương gia đến đây buôn bán. Vào dịp lễ Phục sinh năm 1615, cha dâng Thánh lễ đầu tiên ở đây. Trong Thánh lễ này, Ngài đã rửa tội cho 10 tân tòng người Việt. Trong số này có cậu Augustin, người đã ở lại giúp việc cho cha, và là người đầu tiên trong Tổ Chức Thầy Giảng của cha Buzomi.[4]
Cha Đắc Lộ, người thành Avignon, thuộc dòng Tên. Năm 1624, cha được bề trên sai đi truyền giáo tại miền nam Việt Nam, dưới quyền của cha Buzomi. Về sau, Ngài được phái ra miền bắc truyền giáo tại vùng Thăng Long.[5] Tại đây, sau ba năm giảng dạy, Ngài đã rửa tội cho một số đông tân tòng. Do số người theo đạo mỗi ngày một đông, và số người đến nghe cha giảng càng ngày càng nhiều, cha Đắc Lộ quyết định theo gương cha Buzomi lập một Tổ Chức Thầy Giảng để giúp cha trong công việc tông đồ. Tổ Chức Thầy Giảng của cha Đắc Lộ có phần nề nếp hơn, có nội quy, có đào tạo và có lời khấn hứa.[6]
II – Tổ Chức Thầy Giảng Của Cha Gernot Quý
Cha Gernot Quý sang truyền giáo tại Việt Nam năm 1861. Sau khi đến Việt Nam, Ngài được bổ nhiệm làm cha chính sở họ đạo Cái Mơn, nay thuộc Xã Vĩnh Thành, Huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre.
CHA GERNOT QUÍ
Trong khi làm cha sở họ Cái Mơn, Ngài nhận thấy lời của cha Buzomi là rất thiết thực :”Các thầy giảng là những cộng tác viên rất đắc lực và tối cần. Công việc của các Thầy đem lại cho Nước Chúa nhiều kết quả lớn lao. Địa vị của các Thầy trong công cuộc truyền giáo nhiều khi không thể thay thế được. Các Thầy như tay chân của các Thừa sai, đi đến những vùng quê xa xôi hiểm trở mà các Cha không thể đến được”. Từ đó, Ngài nảy ra ý định thành lập một Tổ Chức Thầy Giảng tại Cái Mơn.
Công việc được tiến hành từ năm 1870. Tổ chức của Cha lần lượt thu nhận 25 người tình nguyện. Đến năm 1875, Tổ Chức Thầy Giảng này được sáp nhập vào một chi dòng Phanxicô mới được thành lập tại Sài Gòn. Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, chi dòng Phanxicô này phải giải tán vì lý do tài chánh. Sự giải tán chi dòng Phanxicô đã kéo theo sự tan rã của Tổ Chức Thầy Giảng của cha Gernot tại Cái Mơn.[7]
III – Tổ Chức Thầy Giảng Của Cha Ritter Giáo
Nhận thấy số giáo sĩ không đủ cung ứng cho một đòi hỏi cấp bách của việc truyền giáo, Đức cha Isidore Colombert Mỹ, Giám mục địa phận đàng trong, quyết định thành lập thêm một chủng viện mới tại Cái Nhum, nay thuộc Xã Long Thới, Huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre. Cha Ritter Giáo, một giáo sĩ thuộc hội thừa sai Ba-lê, được bổ nhiệm làm giám đốc chủng viện Cái Nhum.
Công cuộc truyền giáo tại giáo phận đàng trong lúc bấy giờ tiến triển khá nhanh. Chính vì thế mà nhiệm vụ của giáo sĩ mỗi lúc một nặng nề hơn. Nhận thấy điều này, năm 1882, cha Ritter Giáo đã mạnh dạn tái lập Tổ Chức Thầy Giảng của cha Gernot Quý, như là một ngành phụ của chủng viện Cái Nhum. Đây chính là mầm sống mà sau này phát triển thành một Hội Dòng được gọi là Dòng Thầy Giảng Cái Nhum.[8]
B – SỰ HÌNH THÀNH HỘI DÒNG THẦY GIẢNG CÁI NHUM
I – Chủng Viện Cái Nhum Bị Bãi Bỏ – Dòng Thầy Giảng Được Thành Lập
Năm 1885, vì lý do tài chánh, chủng viện Cái Nhum được lệnh sáp nhập vào đại chủng viện Sài Gòn. Nhìn vào cánh đồng truyền giáo mênh mông đang thiếu nhân sự, cha Ritter Giáo đã có một quyết định có ảnh hưởng đến sự sống còn của Hội Dòng. Ngài đã đệ đơn xin Đức cha Isidore Colombert Mỹ cho ngài được ở lại Cái Nhum, và xin được chính thức thành lập Dòng Thầy Giảng Cái Nhum. Được sự chấp thuận, cha Ritter Giáo bắt tay vào công việc tái thiết và tu bổ cho tu viện.
Cùng thời gian ấy, ở đại chủng viện Sài Gòn, không hiểu vì lý do gì, phải giải tán đến phân nửa. Theo lệnh của Đức cha Isidore Colombert Mỹ, cha Wilbaux, giám đốc đại chủng viện cho rút thăm, ai may mắn thì ở lại, ai rủi thì phải rút lui. Một số những người phải rút lui mà vẫn muốn được dâng mình cho Chúa đã xin gia nhập Dòng Thầy Giảng Cái Nhum và đã được cha Ritter Giáo nhận vào. Vì thế mà số các tu sĩ tăng lên khá nhanh. Con số chính thức là 30 người, trong đó có thầy Jean Bt Đường, người đã phải rời chủng viện và xin vào Hội Dòng. Thầy Đường chính là người sau này đã chống đỡ cho Hội Dòng một lần nữa qua cơn sóng gió.
Tuy nhiên, sự hưng thịnh này đã không tồn tại được bao lâu. Năm 1891, cha Ritter Giáo lâm bệnh nặng. Ngài phải hồi hương, và ngài đã qua đời tại Marseilles ngày 26-7 năm ấy. Sinh hoạt của Hội Dòng lúc này trở nên rời rạc, do không có sự hiện diện của một bề trên đáng kính. Một số tu sĩ đã chán nản và rời bỏ tu viện. Số khác vẫn giữ vững lập trường nhưng ở lại tu viện trong tâm trạng uể oải. Tình trạng của Hội Dòng lúc này gần như tan rã.[9]
II – Dòng Thầy Giảng Được Dời Về An Đức – Mỹ Tho
Vào thời điểm năm 1891, khi tình trạng Dòng Thầy Giảng Cái Nhum gần như tan rã, thì thầy Jean Bt Đường đang giúp họ đạo An Đức, cách Mỹ Tho 8 cây số, thuộc quyền của cha Moulins Linh. (Thầy Đường được cha Linh xin về giúp tại đây từ năm 1884).
Lúc đó ở An Đức, do vấn đề mưu sinh, số giáo dân vốn đã ít ỏi của họ này dần dần rời xa Giáo đường. Cha Moulins Linh dự định dỡ nhà nguyện đem về Mỹ Tho, nhưng thầy Đường đã xin giữ lại để làm cơ sở, và xin tái lập Dòng Thầy Giảng đang tan dần ở Cái Nhum. Qua bàn bạc, thầy Đường được cha Moulins Linh chấp thuận và khích lệ, khiến thầy vô cùng phấn khởi trong công việc tái thiết tu viện. Thầy đã mời 3 tu sĩ còn ở lại Cái Nhum là : thầy Ơn, thầy Hay và thầy Thậm trở về An Đức. Ba vị này đã xin phép cha Thomas Thi, đấng kế nhiệm cha Ritter Giáo, để về An Đức.
Thế là vào đầu tháng mân côi năm 1891, Hội Dòng lại được chính thức tái lập tại An Đức. Thầy Đường lãnh trách nhiệm làm tu viện trưởng dưới sự cố vấn của cha Moulins Linh. Cha Moulins Linh còn cẩn thận xin toà giám mục ra thông cáo trong toàn giáo phận về việc tái lập Dòng Thầy Giảng ở An Đức. Nhờ đó mà con số tu sĩ đã tăng lên đến 15 người, và nhận thêm được một số đệ tử gởi về từ các họ đạo.[10]
III – Vượt Qua Bao Nỗi Khó Khăn
Vấn đề mưu sinh
Mặc dù được sự giúp đỡ tận tình của cha Moulins Linh, nhưng Hội Dòng vẫn không tránh khởi sự thiếu hụt về vật chất. Cha Linh đã xuất tiền mua ruộng đất cho tu viện canh tác. Các tu sĩ phải dành phần lớn thời giờ trong ngày để lao động tự kiếm sống. Chính điều đó đã khiến cho đời sống tinh thần của Hội Dòng sa sút, dẫn đến việc ngày càng ít người tình nguyện xin gia nhập.[11]
Cơ sở của Hội Dòng bị trưng dụng làm tiểu chủng viện
Sau khi lên kế vị Đức cha Isidore Colombert Mỹ, Đức cha Dépierre Để nhận thấy sự bất tiện của việc chung sống giữa tiểu chủng viện và đại chủng viện. Ngài có ý định tìm một địa điểm thuận lợi khác để dời tiểu chủng viện về đó. Cuối cùng, ngài đã chọn An Đức, nơi có sẵn cơ sở của Dòng Thầy Giảng. Năm 1895, tiểu chủng viện chính thức dời về An Đức, trưng dụng cơ sở của Hội Dòng. Cha Victor Charles Quinton được chỉ định làm giám đốc tiểu chủng viện. Điều này đã gây ra bao phiền toái cho các tu sĩ và tu sinh của Hội Dòng.Thêm vào đó là sự ra đi của cha cố vấn Moulins Linh. Ngài phải đổi đi nhiệm sở khác. Không một sự săn sóc, không một nguồn an ủi, đã khiến cho các tu sĩ vô cùng chán nản. Tình trạng của Hội Dòng một lần nữa gần như sụp đổ. Cả Hội Dòng lúc này chỉ còn độ vài người.[12]
Sự can thiệp của toà giám mục
Thật may mắn cho Hội Dòng là toà giám mục đã kịp thời nhận thức được hiện trạng bi đát đó và đã cử cha Fournier Phú đến giúp Hội Dòng. Nhưng khổ nỗi cha Fournier Phú lại không thạo tiếng Việt. Toà giám mục lại bổ nhiệm cha Ernest Hay đến thay thế. Cha Ernest Hay là một linh mục thuộc hội thừa sai Ba-lê, đến Việt Nam vào năm 1889. Ban đầu ngài được bổ nhiệm làm giáo sư đại chủng viện Sài Gòn. Đến năm 1897, ngài được toà giám mục cử về An Đức với trách nhiệm củng cố và tách biệt Hội Dòng Thầy Giảng ra khỏi tiểu chủng viện.[13]
Dịch bệnh cúm hoành hành
Đang lúc cha Ernest Hay cùng đoàn con của mình còn phải sống trong những gian nhà tối tăm, ẩm thấp, được dựng tạm phía sau chủng viện, thì một cơn dịch bệnh cúm hoành hành dữ dội tại An Đức, và đã làm cho vài người phải chết. Cả chủng viện và Hội Dòng đều hết sức lo lắng. Đứng trước tình trạng đó, cha Quinton xin toà giám mục cho dời tiểu chủng viện đi nơi khác. Đến ngày 17-9-1897, chủng viện được lệnh dời về Tân Định. Toàn bộ cơ sở giờ đây lại được giao về cho Hội Dòng. Cha Ernest Hay được toàn quyền định đoạt. Nhận được quyết định này, ngài cho sửa lại cơ sở, soạn thảo tu luật đệ trình lên Đức cha Dépierre Để, và xin Đức cha ký. Đức cha đã chấp thuận. Thế là từ nay, Hội Dòng Thầy Giảng An Đức đã là một Hội Dòng thực thụ theo giáo luật của địa phận tây đàng trong. Thực ra trước đây, Hội Dòng tuy đã được công nhận, nhưng tổ chức còn quá lỏng lẻo, chưa có nề nếp. Nay cha Ernest Hay cố công xây dựng lại cho đúng với qui tắc của một Hội Dòng.Ngày 30-11-1898, Đức cha Dépierre Để đến thăm và làm phép tu viện. Nhân dịp này, ngài đã chủ toạ buổi lễ tuyên khấn lần đầu cho 9 tu sĩ mới.[14]
IV – Hội Dòng Được Dời Về Cái Nhum
Dư âm buổi lễ khấn long trọng của Hội Dòng còn chưa phai, thì Hội Dòng lại tiếp tục hứng chịu bao thử thách mới. Do điều kiện khí hậu ở An Đức không được tốt nên các tu sĩ lần lượt lâm trọng bệnh. Chính cha bề trên Ernest Hay cũng phải hai lần đi dưỡng bệnh : một lần ở Hồng Kông và một lần phải hồi hương. Mãi đến năm 1900 ngài mới bình phục và trở lại tu viện.
Thêm vào đó, ngày 1-5-1904, một cơn bão ác liệt với những trận cuồng phong và mưa như trút nước đã kéo sập gần hết các cơ sở của Hội Dòng, trong đó có cả ngôi thánh đường mới cất.
Giữa lúc Hội Dòng đang trong tình trạng bất ổn, cha bề trên Ernest Hay nhận được lệnh của toà giám mục Sài Gòn phải dời Hội Dòng về cơ sở cũ của chủng viện Cái Nhum. Ngày 20-7-1906 ngài cử hành Thánh lễ cuối cùng ở An Đức, sau đó cùng toàn thể Hội Dòng về lại Cái Nhum. Khi đến Cái Nhum, cha Ernest Hay đã cho sửa chữa lại toàn bộ cơ sở đã bị hư hỏng nặng để làm điểm định cư mới cho Hội Dòng.
Phải liên tục hứng chịu gian khổ, cộng thêm tinh thần đạo đức chưa được đào tạo kỹ lưỡng đã khiến cho một số tu sĩ nản lòng. Họ đã lần lượt đệ đơn xin hồi tục. Quang cảnh của Hội Dòng trở nên vắng vẻ dần. Con số tu sĩ từ năm 1908-1911 chỉ dừng lại ở mức 10 người với vài tu sinh.
Qua bao cố gắng vẫn không thành, đến lúc này thì toà giám mục bắt đầu có sự nghi ngờ về tính hiệu năng của Hội Dòng. Vì thế mà toà giám mục đã ra quyết định ngưng nhận lời khấn của các tu sĩ. Cha Ernest Hay bèn phải chọn cho Hội Dòng một con đường khác là biến Hội Dòng thành một chi Dòng Ba thánh Phanxicô. Từ đây các tu sĩ không buộc phải khấn nữa mà chỉ làm lời dốc lòng.[15]
V – Hội Dòng Gián Tiếp Chuyển Hướng
Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cha Ernest Hay vẫn không nản lòng. Ngài quyết tâm đào tạo con cái mình về cả hai lãnh vực truyền giáo và dạy học nhằm phục vụ cho các trường của các họ đạo. Nhờ quyết định này, cha tiếp tục nhận thêm nhiều tu sinh gởi đến từ khắp các họ đạo trong giáo phận.
Nhận thấy tổ chức của mình không thể tồn tại nếu chỉ dựa trên sự tình nguyện suông mà không có sự ràng buộc của lời khấn, năm 1916, ngài đã làm đơn xin toà giám mục cho các tu sĩ được tái khấn. Cuộc vận động chưa có kết quả, thì cha lại được gọi về để giữ chức giám đốc tiểu chủng viện.
Toà giám mục phái cha Henri Sion Sĩ đến Hội Dòng để thay thế cha Ernest Hay. Nhưng do điều kiện sức khoẻ mà chưa đầy một năm sau, ngài lại phải đi dưỡng bệnh ở Phan Thiết.
Ngày 17-7-1917, cả tu viện hân hoan đón mừng cha bề trên mới, cha Joseph Boimery Mỹ. Ngài là một linh mục thuộc hội thừa sai Ba-lê, được Đức cha Quinton cử làm bề trên Hội Dòng. Ngài là một con người tài trí và đức độ.
Lãnh trách nhiệm bề trên của Hội Dòng, cha Boismery Mỹ cũng có cùng suy nghĩ như cha Bề trên Ernest Hay : Ngài bày tỏ ý định xin toà giám mục cho các tu sĩ được tái khấn. Nhưng ngài lại nhận thấy cơ sở của Hội Dòng quá chật hẹp, nên ngài bắt tay vào tái thiết cơ sở cho xứng đáng hơn trước khi xin tái khấn. Công việc tái thiết được tiến hành từ năm 1919. Cha Boismery Mỹ đã xin toà giám mục mở một cuộc lạc quyên nhằm giúp đỡ cho Hội Dòng.
CHA BOISMERY
Đến năm 1923, khi công việc tái thiết đã xong, ngài bắt đầu vận động cho các tu sĩ được khấn lại. Y định của ngài đã được Đức cha Quinton chấp thuận. Và ngày 13-3-1923, Đức cha Quinton đã đến viếng thăm tu viện và chủ toạ buổi lễ tuyên khấn cho 7 tu sĩ.
Đến ngày 24-01-1924, Hội Dòng chính thức nhận được sắc lệnh cho phép tái lập và tái khấn của Thánh Bộ Truyền Giáo. Thế là từ đây, Hội Dòng lại một lần nữa được hồi sinh. Ngoài mục đích truyền giáo, giờ đây Hội Dòng còn có thêm một mục đích khác là dạy học tại các trường công giáo.[16]
C – CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN
Kể từ năm 1924, Hội Dòng chính thức được Thánh Bộ Truyền Giáo công nhận với một danh hiệu mới là “Dòng Sư Huynh Giáo Lý Công Giáo”[17]. Từ đây Hội Dòng bắt đầu hồi sinh và phát triển không ngừng. Ngoài mục đích truyền giáo, Hội Dòng còn có thêm một mục đích mới là dạy học tại các trường học công giáo. Tuy vậy, Hội Dòng vẫn là một Hội Dòng thuộc quyền giáo phận. Vì thế năm 1938, khi giáo phận Vĩnh Long được thành lập, thì Hội Dòng đương nhiên thuộc quyền các Giám Mục giáo phận Vĩnh Long. Tuy nhiên, hoạt động của Hội Dòng vẫn được trải rộng trên 4 giáo phận tách ra từ giáo phận Đàng Trong là : Sài Gòn, Vĩnh Long, Mỹ Tho và Đà Lạt.[18]
Có thể nói thời gian từ 1924 đến 1975 là thời gian cực thịnh của Hội Dòng. Trong thời gian này đã có nhiều sự biến đổi có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của Hội Dòng.
I – Củng Cố Đời Sống Tinh Thần
Tu chỉnh nội quy
Trong những thay đổi mang tính tích cực của Hội Dòng, trước hết phải kể đến việc tu chỉnh nội quy của cha bề trên Boismery Mỹ. Sau khi đã tái thiết xong tu viện, Ngài nhận thấy cần phải có một bản nội quy mới với đầy đủ chi tiết nhằm trợ giúp cho các tu sĩ có thể giữ vững mục đích của đời tu trong những hoàn cảnh khác nhau, nhất là phải đi truyền giáo xa Dòng, xa Cha. Vì thế mà Ngài đã soạn thảo một nội quy mới áp dụng cho các tu sĩ thuộc Hội Dòng.
Nâng cao học vấn – chuyên sâu về giáo lý
Vì mục đích của Hội Dòng và cũng vì nhu cầu từ thực tế trong công cuộc truyền giáo mà các tu sĩ giờ đây được các đấng bề trên đào tạo chuyên sâu về cả hai mặt : giáo lý và học vấn.Về giáo lý, ngoài sự dạy dỗ tận tình của Cha bề trên, còn có sự giúp đỡ của các Dòng lớn có nguồn gốc từ nước ngoài, được Cha bề trên đích thân mời đến, nhằm giúp cho các tu sĩ có một kiến thức giáo lý chuyên sâu. Tuy nhiên đó cũng mới là giải pháp tức thời, chưa mang tính bền vững. Vì thế, sau khi nhậm chức giám mục chính toà Vĩnh Long, năm 1939, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục đã tạo điều kiện cho 4 thầy được tham dự học viện của Dòng Xi-tô Mỹ Ca – Phước Sơn, để sau này trực tiếp lãnh trách nhiệm đào tạo trong Hội Dòng.[19]Về học vấn, xuất phát từ mục đích dạy trường, mà các tu sĩ ngoài việc dạy giáo lý, họ còn phải đứng dạy các lớp học văn hoá. Nhưng lúc bấy giờ, chính phủ đòi những ai muốn dạy học phải có văn bằng. Vì thế mà bề trên lại tận lực lo cho các tu sĩ được nâng cao trình độ về văn hoá và dự thi để lấy các văn bằng do nhà nước cấp. Các tu sĩ lúc này phải cố công học hỏi, luyện tập để có thể dự các kỳ thi. Và kết quả thật đáng khích lệ, mùa thi năm 1926, Hội Dòng có 22 tu sĩ dự thi tiểu học thì có đến 21 người đã đậu.[20] Kể từ đó, các tu sĩ ngày càng được chú tâm đào luyện và nâng cao trình độ học vấn. Về sau, hầu hết các tu sĩ đều có bằng tú tài, có người lấy được cả bằng cử nhân, cũng có một số người được gởi đi đào tạo tại Pháp.
Ban quyền tự trị
Năm 1935, khi thấy rằng mình đã già yếu, cha Boismery Mỹ nhận thức được bao khó khăn và trở ngại có thể xảy ra cho Hội Dòng nếu Ngài ly trần. Vì thế, Ngài đã cố gắng vận động cho Hội Dòng có quyền tự trị và quyền tư hữu tài sản để có thể nuôi sống và phát triển Hội Dòng[21]. Ý muốn của Ngài lần lượt được chấp thuận. Trước hết Đức cha Dumortier, giám mục Sài Gòn chấp thuận cho Hội Dòng có quyền tư hữu tài sản. Mãi đến sau năm 1938, khi giáo phận Vĩnh Long đã được thành lập, nhận thấy Hội Dòng đã đủ khả năng để tự điều hành, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục mới ban cho Hội Dòng có quyền tự trị. Từ đây Hội Dòng tự điều hành mọi công việc có liên quan đến sinh hoạt chung của Hội Dòng.[22]
Hội dòng có linh mục theo nhu cầu
Xuất phát từ nhu cầu mục vụ cũng như việc cử hành các Bí Tích trong Hội Dòng, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục đã cố gắng xin Toà Thánh cho phép Hội Dòng có người được lãnh chức linh mục. Ngày 19-8-1953, chính Đức cha Phêrô đã truyền chức linh mục cho thầy bề trên Michel Nguyễn Văn Lực[23] (Cha Boismery đã qua đời năm 1949, từ đó thầy Michel Lực được bầu vào cương vị bề trên của Hội Dòng). Từ đó đến nay, Hội Dòng luôn có một vài linh mục để thi hành mục vụ và cử hành các Bí Tích.
Thêm một lần đổi tên dòng
Sau khi lãnh trách nhiệm bề trên của Hội Dòng, cha Michel Nguyễn Văn Lực đã triệu tập đại hội toàn dòng[24]. Tại đại hội này, Ngài đã tu chỉnh hiến pháp và đổi tên dòng. Ngài lấy tên bổn mạng chính là Chúa Kitô Vua làm danh hiệu mới cho Hội Dòng. Từ đây Hội Dòng được gọi là Dòng Sư Huynh Giáo Lý Kitô Vua, cũng thường gọi là Dòng Kitô Vua.
II – Mở Các Cơ Sở Mới
Trong hai thập niên 1950 và thập niên 1960, Hội Dòng phát triển khá nhanh. Con số các tu sĩ và tu sinh tăng lên rất nhiều (185 người vào năm 1962). Hoạt động của Hội Dòng càng ngày càng được mở rộng. Nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, chỗ sinh hoạt và làm việc của các tu sĩ, cơ sở chính ở Cái Nhum đã được nâng cấp và xây thêm nhiều nhà mới, trong đó có ngôi thánh đường nguy nga nằm ngay trung tâm khu vực tu viện. Ngoài ra, Hội Dòng còn mở thêm các cơ sở mới tại các giáo phận Vĩnh Long, Sài Gòn và Xuân Lộc.
Cơ sở Thánh Tâm
Khoảng năm 1951, với tấm lòng nhiệt thành và quảng đại trong công cuộc truyền giáo, cha Giuse Phạm Văn Thiên, cha chính sở họ đạo Chí Hoà, thuộc giáo phận Sài Gòn, đã giúp đỡ cho Hội Dòng một mảnh đất tại Chí Hoà, để Hội Dòng mở cơ sở. Cha khuyến khích Hội Dòng mở trường tại đây nhằm mở rộng hoạt động của Hội Dòng. Thế là vào năm 1954, trường Thánh Tâm Chí Hoà, thuộc Hội Dòng Kitô Vua chính thức đi vào hoạt động. Hội Dòng trạch cử thầy Alexis Nguyễn Văn Ngươn làm hiệu trưởng và trực tiếp điều hành hoạt động của trường. Ngôi trường này hiện nay là trường bán công Tân Bình, đã hiến cho nhà nước để nhà nước dùng vào việc giáo dục.
Cơ sở Sao Mai
Chỉ vài năm sau đó, năm 1957, nhờ ảnh hưởng của trường Thánh Tâm, Hội Dòng tiếp tục thuê một dải đất nằm ngay chân cầu công lý, kề sát chùa Vĩnh Nghiêm, với thời hạn là 99 năm để mở một ngôi trường thứ hai tại giáo phận Sài Gòn. Ngôi trường này mang tên trường Sao Mai, do tu sĩ Clement Nguyễn Bá Ngôn làm hiệu trưởng. Ngôi trường này nay được nhà nước trưng dụng và đổi tên thành trường Ngô Quyền.
Cơ sở nghỉ mát Bãi Dâu – Vũng Tàu
Để tạo điều kiện cho các giáo chức đang hoạt động tại các trường do Hội Dòng quản lý, và cho các tu sĩ có nơi nghỉ ngơi thoáng mát trong các kỳ nghỉ hè, Hội Dòng đã cố gắng tậu một mảnh đất nằm dưới chân đồi Bãi Dâu, và xây cất tại đây một nhà nghỉ mát. Tại cơ sở này hiện nay vẫn còn 2 tu sĩ đang sống và làm việc tại đây.
Cơ sở Fatima
Nhận thấy số tu sĩ và tu sinh của Hội Dòng nay đã quá đông, cơ sở chính tại Cái Nhum tuy đã mở rộng nhưng vẫn không đủ chỗ cho các tu sĩ sinh hoạt. Vì thế Bề trên của Hội Dòng có nhã ý muốn tìm một địa điểm khác để thành lập một đệ tử viện, tách biệt khỏi cơ sở chính. Cuối cùng Ngài đã thuê một dải đất của tư nhân nằm gần cầu Cái Cam, cách thị xã Vĩnh Long 6 cây số. Cơ sở này được gọi là cơ sở Fatima vì nằm gần trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima của giáo phận Vĩnh Long. Năm 1965, đệ tử viện chính thức mở cửa, và Hội Dòng đã thuyên chuyển hai lớp tu sinh nhỏ nhất về đây. Hội Dòng cắt cử tu sĩ Colomban Nguyễn Công Ngự cùng một số tu sĩ khác đến đây để chăm lo cho các tu sinh.
Trên đây là 4 cơ sở phụ của Hội Dòng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngoài những cơ sở nói trên, Hội Dòng còn mở nhiều cơ sở khác nhưng nay đã không còn nên chúng tôi không nêu ở đây.
Bên cạnh những mở mang về kiến thức và các cơ sở, Hội Dòng còn gặt hái được biết bao hoa trái từ những cánh đồng truyền giáo. Theo nhận định của các đấng bề trên, các tu sĩ của Hội Dòng đã lập được trên 500 họ đạo mới trong các giáo phận Vĩnh Long, Mỹ tho, Đà Lạt, Xuân Lộc và Sài Gòn. Các tu sĩ cũng đã dạy giáo lý cho hàng vạn tân tòng và rửa tội cần kíp cho hàng ngàn người. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ cho Hội Dòng chúng tôi.
Thay Lời Kết
Từ năm 1975 đến nay, có thể nói Hội Dòng lại đang rơi vào một sự khủng hoảng mới, khủng hoảng về nhân sự. Con số các tu sĩ ngày càng giảm mạnh, vì phần lớn các tu sĩ trẻ đã hồi tục sau ngày đất nước được giải phóng. Số còn lại cũng luôn phải sống trong tình trạng bất ổn. Vì thế tổ chức của Hội Dòng cũng ngày càng trở nên lỏng lẻo. Tình trạng khan hiếm ơn gọi cũng làm cho Hội Dòng càng thêm hiu quạnh.Đã có ý kiến cho rằng Hội Dòng đang đi dần đến “cái chết tự nhiên”. Nhưng theo chúng tôi, với tư cách là một tu sĩ của Hội Dòng Kitô Vua, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đã bao lần dìu dắt Hội Dòng vượt qua “sóng cả”. Chúng tôi càng tin tưởng hơn nữa khi đọc lại lịch sử của Hội Dòng với bao nhiêu biến cố thăng trầm. Qua đó, chúng tôi thấy rằng tập thể Hội Dòng đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt, có khi pha lẫn cả những giọt máu đào để làm chứng cho Đức Kitô – Đấng là vua cả trời đất. Chúng tôi ý thức rằng Hội Dòng được thành lập từ nhu cầu truyền giáo trong Giáo Hội, vì thế, bao lâu nhu cầu truyền giáo còn thì Hội Dòng vẫn còn được Thiên Chúa gìn giữ. Nhu cầu truyền giáo thì đến bao giờ mới được coi là hết. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi thì cách thức truyền giáo hôm nay phải khác với khi xưa. Vì thế mà những năm gần đây, Hội Dòng chúng tôi đang cố gắng tổ chức lại cơ cấu hoạt động của Hội Dòng, với hy vọng qua đó Thiên Chúa sẽ thổi một luồng sinh khí mới giúp cho Hội Dòng một lần nữa vượt qua khó khăn.
ĐỨC CHA LUCIEN MOSSARD
Để thay cho lời kết, chúng tôi mời mọi người cùng đọc lại lời kêu gọi của Đức cha Lucien Mossard, nguyên giám mục giáo phận đàng trong:
“Ớ anh em rất yêu dấu,Nhà viện tu trong địa phận Nam kỳ, nhờ ơn Chúa, nhà Dòng nữ (thường kêu là nhà Phước) thì có nhiều và một ngày một thạnh, dễ bề cho người nữ chọn nơi ám hạp, có đặng tu trì cùng dưng mình làm tôi Chúa. Còn nhà Dòng nam đã lập trong địa phận, thì có một nhà mà thôi, bây giờ ở tại Cái Nhum, gọi là Nhà Dòng Các Thầy Giảng Đạo. Gọi nhà ấy là nhà Dòng, vì là nhà viện tu cùng để giúp việc Hội Thánh. Đây không nói đến nhà trường La-tinh, vì không phải là nhà Dòng.Nhà dòng Cái Nhum có luật riêng để giúp nam nhi học văn chương, lẽ đạo và đàng nhân đức trọn lành; lo về tu thân khắc kỷ nhiều năm, đến khi làm thầy rồi thì đi các họ, cho đặng giúp việc rỗi linh hồn người ta.Bổn phận thầy giảng trước là chuyên bề đức hạnh, đọc kinh nguyện gẫm, và chí quyết đàng trọn lành và nên thánh. Xét bấy nhiêu mà thôi, thì đủ hiểu Dòng này rất châu báu trong địa phận ta là thể nào; vì nhà ấy sinh gương nhân đức cùng lời cầu nguyện, lại sẵn phương, sẵn chỗ cho con trẻ đặng tu trì cùng dâng mình làm tôi Chúa.Song đây Ta có ý nhắc lại một ích rất trọng hơn nữa. Nhà Dòng này làm trong Hội Thánh nam kỳ : làm sáng danh Chúa và giúp việc rỗi linh hồn thiên hạ. Anh em cũng biết, việc giảng đạo cho kẻ ngoại trở lại là việc rất khó nhọc lâu dài, và việc giáo huấn con nhà có đạo cho thông thuộc lẽ đạo và đàng nhân đức, thì cũng là việc cực khổ lâu năm. Bổn phận thầy cả, nhất là khi một mình phải coi nhiều họ, thì thật là rất khó; dầu giỏi lo thể nào mặc lòng thì cũng không đủ giờ mà lo cho xiết. Chiên ăn rải rác nhiều nơi, khuất con mắt chủ chăn, thì ai lo cho đoàn chiên đặng no đủ hằng ngày và khỏi thú dữ nhiễu hại tư bề.Bởi đó cho nên, ớ anh em rất yêu dấu, việc cấp dưỡng nhà dòng Các Thầy Giảng Đạo đã lập tại Cái Nhum, là việc rất trọng và rất cần trong địa phận ta. Thầy cả phải nhờ thầy giảng. Bổn phận thầy giảng là đi các họ nhỏ và các làng mà an ủi kẻ ngoại trở lại, dạy dỗ chầu nhưng, tìm chiên lạc đem về ràng chiên Chúa, gỡ người rối rắm vợ chồng, dạy con nít thông thuộc kinh phần, cùng giúp nó dọn mình xưng tội, rước lễ vỡ lòng và chịu phép xức trán.Ấy là những việc Dòng Thầy Giảng hằng làm trong địa phận ta, từ khi lập nhà dòng Cái Nhum cho tới bây giờ. Các cha đều nhờ, anh em cũng rõ biết. Tiếc một điều là các thầy chưa được đông như lòng Ta sở nguyện. Nhiều chỗ xin thầy xong không đủ thầy mà cho. Biết bao nhiêu trẻ nhỏ đang đòi bánh thiêng liêng là lời dạy dỗ, mà thiếu người bẻ bánh phân chia cho chúng nó ! Biết bao nhiêu người đang ngồi trong chốn tối tăm và trong bóng sự chết, mà thiếu kẻ đem sự sáng đức tin, thiếu người đem ơn phần rỗi cho chúng nó đặng nhờ !Vậy, ớ anh em rất yêu dấu, Ta mượn lời Đức Chúa Giêsu phán cùng Tông Đồ xưa, mà than thở cùng anh em rằng : Anh em hãy xem tứ phía mà coi, nơi nơi lúa chín đỏ đồng, mà không đủ tay gặt. Anh em hãy xin chủ ruộng sai người đi gặt cho đủ tay và cho kịp thì. Ấy là ta xin anh em hãy thi ân cấp dưỡng nhà dòng Cái Nhum cho đặng càng ngày càng thạnh, hầu thêm số thầy giảng đạo là kẻ gặt trong ruộng Đức Chúa Trời, là Hội Thánh…Khi đặng tin này, thì ngày Chúa Nhựt xin các Cha đọc trong các nhà thờ lớn nhỏ trong địa phận ta.”
Làm tại Sài Gòn, ngày 1 October 1918.
LUCIANO
Giám Mục Médéa ký.
[1] Xem kỷ yếu dòng Kytô-Vua trang 35-37.
[2] Bùi Đức Sinh, Giáo Hội công giáo ở Việt Nam, quyển một, trang 132.
[3] Bùi Đức Sinh, Giáo Hội công giáo ở Việt Nam, quyển một, trang 137.
[4] Bùi Đức Sinh, Giáo Hội công giáo ở Việt Nam, quyển một, trang 91.
[5] Bùi Đức Sinh, Giáo Hội công giáo ở Việt Nam, quyển một, trang 123-124.
[6] Bùi Đức Sinh, Giáo Hội công giáo ở Việt Nam, quyển một, trang 137.
[7] Kỷ yếu dòng Kytô-Vua trang 40.
[8] Kỷ yếu dòng Kytô-Vua trang 41.
[9] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 41
[10] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 43
[11] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 43
[12] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 43
[13] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 44
[14] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 49
[15] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 49-51.
[16] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 58-68.
[17] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 68.
[18] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 70-71.
[19] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 74.
[20] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 68.
[21] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 70.
[22] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 75.
[23] Kỷ yếu Dòng Kitô Vua, trang 70.
[24] Đại hội này có lẽ diễn ra vào năm 1955.