Ơn Gọi

LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG THÁNG 02/2025 – LÀM CHỨNG NIỀM HY VỌNG NƠI ĐỨC KITÔ

Lời Chủ chăn Giáo phận Vĩnh Long

tháng 02/2025

Làm chứng niềm hy vọng nơi Đức Kitô

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên tài liệu định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Đây là chủ đề thứ ba mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xác định năm 2022. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần II, sẽ nói đến “LÀM CHỨNG NIỀM HY VỌNG NƠI ĐỨC KITÔ” được tra cứu trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bộ Giáo Luật, Thông Điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong đề tài Gợi ý Mục vụ “Làm chứng Niềm Hy vọng nơi Đức Kitô”, làm cho chúng ta nhớ lại Sắc Chỉ Công Bố Năm Thánh Thường Lệ 2025 Spes non confundit. “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5, 5). Đúng vậy, cho dù chúng ta là những thụ tạo thấp hèn yếu đuối và tội lỗi, nhưng chúng ta vẫn luôn hy vọng được Chúa tha thứ và đón nhận chúng ta. Đấng được Thiên Chúa sai đến với chúng ta là Đức Kitô, chúng ta đặt hết mọi niềm tin tưởng và hy vọng nơi Ngài.

Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao…. bởi vì “Hy vọng không làm thất vọng”. Vai trò của chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng là làm chứng cho niềm hy vọng này. Làm chứng là gì? và hy vọng điều gì và vào ai?

Làm chứng. Nhân chứng, chứng tá, người làm chứng. Nhân chứng là người làm chứng điều gì mà người đó đã thấy, hoặc đã nghe. Đặc biệt, là nhân chứng, người thuật lại trong công lý, thí dụ Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Đức Kitô (x. Ga 1, 29-34) chịu chết vì làm chứng (Mc 6, 21-28). Trong môi trường Kinh Thánh, trong công lý phải có hai nhân chứng (x. Đnl 19, 15), cũng được áp dụng nhiều lần trong Tân ước, (x. Mt 18, 16, 26). Đặc biệt là có hai nhân chứng giả trong vụ án Đức Giêsu (x. Mt 26, 57-68) v.v… 

Lời chứng của Đức Kitô, nhân chứng của Chúa Cha, là có giá trị, vì Người không phải là một mình (Ga 3, 31…; x. 8, 13-19). Các Tông đồ là những nhân chứng của Đức Kitô với một tước hiệu hoàn toàn đặc biệt (Cv 1. 8; 22, 15). Sứ mệnh chủ yếu và trước tiên của các ông là làm chứng về sự phục sinh của Đức Kitô (Lc 24, 48; Cv 2. 32; 4, 33; 1 Cr 15. 3- 8); sau đó các ông làm chứng về tất cả đời sống công khai của Đức Kitô (Ga 15, 27; Cv 1, 22 v.v…). Kết quả của Lời chứng này là lòng thù địch: Lời chứng của vị tử đạo tiên khởi Stêphanô (Cv 22, 20) các Tông đồ bị bách hại nhưng vẫn tiếp tục làm chứng, ngay cả trước các toà án (Lc 12, 11tt; Cv 4, 8. 20; 5. 41 v.v…). Tông đồ Phêrô và Phaolô và các Kitô hữu bị bách hại và chịu tử vì đạo, các ngài là những nhân chứng trở thành những vị tử đạo của Giáo hội Đức Kitô. Cho nên, lời chứng cao nhất là lời chứng bằng máu.

Kết quả lời chứng là không có kết quả tốt, nhưng người loan báo Tin Mừng phải chịu. Người loan báo Tin Mừng làm chứng về niềm hy vọng nơi Đức Kitô.

Hy vọng hay Đức cậy. Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo Số 1817: “Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô là cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh của chúng ta”. Về phương diện Thần học, Đức cậy là nhân đức thứ hai trong các nhân đức đối thần, Đức cậy làm cho ta gắn bó với Thiên Chúa vì Ngài là cùng đích tối thượng và là vinh phúc của con người. Chúng ta nhờ sự phù trợ, nhờ ân sủng của Ngài chúng ta mới có thể đạt được vinh phúc mà Ngài đã hứa cho chúng ta. Đức cậy hướng dẫn tâm hồn chúng ta đến một đam mê tinh thần, một sự thèm khát tinh thần của chúng ta đối với Thiên Chúa, nhờ ơn trợ lực của Ngài. Đức cậy là nhân đức thiên phú, nghĩa là phát sinh do hồng ân Thiên Chúa, do ân sủng của Ngài. Hồng ân kính sợ được gắn liền với sự cậy trông.

Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, số 3: “Chúng ta được mời gọi để làm chứng cho niềm hy vọng mà chúng ta có trong Chúa Kitô, một niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng.”

Tông huấn Redemptoris Missio của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, số 86: “Truyền giáo không chỉ là một hoạt động, mà còn là một hành trình của niềm hy vọng, trong đó chúng ta mở ra cho người khác sự sống và tình yêu của Chúa.” 

Bổn phận của người loan báo Tin Mừng là làm chứng niềm hy vọng vào Đức Kitô. Đức Kitô sẽ không quên chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng nơi Ngài. Giáo luật khuyên bảo: “Chúa Kitô đã trao phó kho tàng đức tin cho Giáo Hội, để nhờ Chúa Thánh Thần phù trợ, Giáo Hội cung kính giữ gìn, tìm hiểu sâu sắc hơn, loan báo và trình bày chân lý Mạc Khải cách trung thành;… (IM 3 ; LG 24 ; LG 25 ; CD 19 ; DV 7-10 ; DH 13)” (Bộ Giáo luật Điều 747 §1).

Hy vọng vào Đức Kitô. Thánh Phaolô khuyên: “Tôi là Phaolô, Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Kitô Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta” (1 Tm 1, 1). Đức Kitô, “Đấng được xức dầu” là Đấng Mêsia. Tước hiệu mà Chúa Giêsu đã nhận cho mình cách thận trọng trong cuộc đời trần thế của Ngài (x. Mt 16, 20 “Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”), nhưng Ngài đòi hỏi công khai hơn trong cuộc Khổ nạn của Ngài (Mt 26, 63-64: “Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không? Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài vừa nói””) và nhất là sau khi sống lại (Lc 24, 26 “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”). Danh hiệu này thường được đặt cho Ngài từ Giáo Hội Sơ khai, để tỏ cho người Do Thái thấy Đấng Mêsia mà họ đợi trông đã đến rồi và Ngài là Đức Giêsu (Cv 2, 36). Danh xưng này đã trở thành tên riêng của Đức Giêsu ngay từ thời các Tông đồ. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 453 dạy về Đức Messia “Danh hiệu “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, “Đấng Messia”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô bởi vì “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10, 38). Người là “Đấng phải đến” (Lc 7, 19), là đối tượng của niềm hy vọng của Israel”.

Tại sao Chúa Giêsu Kitô là niềm hy vọng của chúng ta? Niềm hy vọng mà Chúa Giêsu mang đến cho tâm hồn chúng ta nhờ thập giá và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giêsu Kitô mang đến cho chúng ta niềm hy vọng là chúng ta không còn phải bước đi trong sự chết và bóng tối nữa. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống. Đây là nơi mà chúng ta tìm thấy hy vọng giữa thế giới vật chất bề bộn ngổn ngang của chúng ta.

Làm chứng Niềm Hy vọng nơi Đức Kitô trong khi loan báo Tin Mừng, cho dù chúng ta phải bị thiệt thòi về nhiều phương diện. Cầu xin Chúa giúp chúng ta trở thành những người hành hương của niềm hy vọng trong Năm Thánh 2025 này.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 01 năm 2025

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.net

TAGS: Thư mục vụ giáo phậnGiáo phận Vĩnh Long

Related Articles

Close