Chia SẻGiáo HộiTin Giáo Hội
Đức Thánh cha: hãy ở gần Chúa, để có thể làm chứng
KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Đức Thánh cha: hãy ở gần Chúa, để có thể làm chứng
(Chúa nhật II, Mùa Chay, Năm A)
Trưa Chúa nhật, ngày 08/03/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu, nhưng để tránh dịch Corona lan tràn, nên các giới chức y tế và an ninh của Vatican và Italia xin Đức Thánh cha tìm phương thức thích hợp. Vì thế, Đức Thánh cha không xuất hiện tại cửa sổ Văn phòng Giáo hoàng, tại dinh Tông Tòa như mọi khi. Trái lại, ngài đọc kinh tại Thư Viện ở lầu ba dinh Giáo hoàng, với một số cộng sự viên. Buổi đọc kinh được truyền đi qua Internet từ Vatican News và với các màn hình tại Quảng trường Thánh Phêrô để các tín hữu có thể tham dự.
Vì được thông báo trước, nên tại Quảng trường chỉ có khoảng 200 người, tụ tập trước hai màn hình không lồ đặt trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh. Một nhóm khác trương biểu ngữ nhắc đến những người bị quên lãng tại thành Iblid, bên Siria, từ nhiều tháng nay bị quân đội chính phủ bao vây, chống các lực lượng phiến quân đang tử thủ tại đây.
Photo: AFP or licensors
Đức Thánh cha đứng trong Thư Viện, trước bức tranh lớn diễn tả cảnh Chúa Phục Sinh và bức ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng, bên trên có hình chim Bồ Câu tượng trưng Chúa Thánh Linh.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật thứ II Mùa chay, thuật lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor trước 3 môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Chúa nhật thứ II Mùa chay hôm nay (Xc. Mt 17,1-9) thuật lại cho chúng ta cuộc hiển dung của Chúa Giêsu. Ngài dẫn Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo và lên một núi cao, biểu tượng sự gần gũi với Thiên Chúa, để mở cho các ông hiểu trọn vẹn hơn mầu nhiệm về bản thân Ngài, sẽ phải chịu đau khổ, chịu chết rồi sống lại. Thực vậy, Chúa Giêsu đã bắt đầu nói với họ về những đau khổ, cái chết và cuộc sống lại đang chờ đợi Ngài, nhưng họ không thể chấp nhận viễn tượng ấy. Vì thế, khi lên đỉnh núi, Chúa Giêsu chìm đắm trong kinh nguyện và hiển dung trước mặt ba môn đệ: “Khuôn mặt Ngài sáng chói như mặt trời và áo Ngài trắng như ánh sáng” (v.2).
Ý nghĩa biến cố Chúa hiển dung
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Qua biến cố lạ lùng hiển dung ấy, ba môn để được kêu gọi nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa rạng ngời vinh quang. Họ tiến triển như thế trong nhận thức về Thầy mình, ý thức rằng khía cạnh nhân trần không diễn tả hết thực tại về Chúa; trước mắt họ, chiều kích siêu phàm và thần linh của Chúa Giêsu được tỏ lộ. Và từ trên cao vang dội một tiếng nói: “Đây là Con Ta yêu dấu […] Hãy lắng nghe lời Người” (v. 5). Chính Chúa Cha trên trời tái khẳng định sự “tấn phong” Chúa Giêsu đã diễn ra trong ngày Người chịu phép rửa tại sông Giordan và mời gọi các môn đệ hãy lắng nghe và theo Người.
Sự chọn lựa nhưng không của Chúa
“Cần nhấn mạnh rằng, trong nhóm mười hai môn đệ, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan để đi với Ngài lên núi. Ngài dành cho họ đặc ân được chứng kiến sự hiển dung của Ngài. Nhưng trong giờ thử thách, Phêrô đã chối Chúa và hai anh em Giacôbê và Gioan thì xin Ngài được những chỗ thứ nhất trong nước Chúa (Xc. Mt 20,20-23). Chúa Giêsu không chọn lựa theo các tiêu chuẩn của chúng ta, nhưng theo kế hoạch tình thương của Ngài. Đó là một sự chọn lựa nhưng không, vô điều kiện, một sáng kiến tự do, một tình bạn thần linh không đòi điều gì đổi lại. Và cũng như Chúa đã gọi ba môn đệ ấy, ngày nay, Chúa cũng gọi mỗi người hãy ở gần Ngài, để có thể làm chứng. Làm chứng nhân là một hồng ân mà chúng ta không đáng được: chúng ta cảm thấy mình bất xứng, nhưng chúng ta không thể thối lui viện cớ mình không có khả năng.”
Áp dụng những điều trên đây vào hoàn cảnh chúng ta ngày nay, Đức Thánh cha nói: “Chúng ta không ở trên núi Tabor, chúng ta không thấy tận mắt khuôn mặt của Chúa Giêsu sáng chói như mặt trời. Nhưng chúng ta cũng được ủy thác Lời Cứu Độ, và đức tin được ban cho chúng ta và chúng ta đã cảm nghiệm,- dưới những hình thức khác nhau,- niềm vui được gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Hãy trỗi dậy và đừng sợ” (Mt 17,7). Trong trần thế này, với những ích kỷ và ham hố, ánh sáng của Thiên Chúa bị lu mờ vì những bận tâm thường nhật. Chúng ta thường nói: tôi không có giờ để cầu nguyện, tôi không có khả năng phục vụ trong giáo xứ, không thể đáp lại các yêu cầu của những người khác… Nhưng chúng ta không được quên rằng phép Rửa tội và Thêm sức chúng ta đã nhận lãnh làm cho chúng ta trở thành những nhân chứng, không phải nhờ khả năng của chúng ta, nhưng là do ơn của Chúa Thánh Linh.”
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Trong Mùa chay thuận lợi này, xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu cho chúng ta được ơn ngoan ngoãn vâng theo Thánh Linh, sự ngoan ngoãn này là điều không thể thiếu được để chúng ta quyết liệt tiến bước trên con đường hoán cải.”
Chào thăm
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha chào thăm và xướng danh một số nhóm tín hữu đã đăng ký. Ngài cũng nói rằng: “Tôi gần gũi trong kinh nguyện với những người đang đau khổ bì dịch Corona virus hiện nay và tất cả những người săn sóc họ. Tôi đã đặc biệt nhớ đến họ trong những ngày tĩnh tâm. Tôi hiệp với các anh em giám mục của tôi trong việc khuyến khích các tín hữu sống thời điểm khó khăn này với sức mạnh đức tin, niềm hy vọng chắc chắn và đức bác ái nhiệt thành. Ước gì Mùa chay giúp chúng ta mang lại một ý nghĩa Phúc âm cho thời kỳ thử thách và đau khổ này”.
Đức Thánh cha cũng nhắc đến những đau khổ của dân chúng ở Siria và kêu gọi sự gần gũi và liên đới đối với họ và nói: “Tôi chào thăm các hội đoàn và nhóm đang dấn thân liên đới với nhân dân Siria, nhất là những người dân ở miền tây bắc của Siria, đang buộc lòng phải trốn chạy những diễn biến gần đây của chiến tranh. Tôi tái bày tỏ sự kinh hoàng vì tình trạng vô nhân đạo mà những người dân vô phương thế này, trong đó có nhiều trẻ em, đang phải chịu, nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta không thể ngoảnh mặt đi trước cuộc khủng hoảng nhân đạo này, nhưng cần dành ưu tiên cho thảm trạng này so với mọi lợi lộc khác”.
Sau những lời chào thăm và kêu gọi trên đây, Đức Thánh cha tiến tới cửa sổ phòng làm việc, xuất hiện và ban phép lành cho các tín hữu ở Quảng trường bên dưới.
- Trần Đức Anh OP
Nguồn:Đài Chân Lý Á Châu