Ơn Gọi
Bài Chia sẻ của đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương trong kỳ tĩnh tâm năm
Tĩnh tâm là thời gian thuận tiện để quý Thầy lắng nghe tiếng Chúa, để tâm sự những nỗi ưu tư, những nỗi khó khăn hay những ước muốn giữa mình với Thiên Chúa. Tĩnh tâm là một hồng ân, một ân sủng mà Thiên Chúa ban, là dịp tiện lợi để giúp quý thầy “ Canh tân lại đời sống thánh hiến” để được biến đổi trong chiều kích ân sủng của tình yêu Thiên Chúa.
Trong những ngày tĩnh tâm vừa qua. Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương đã đồng hành, chia sẻ và gợi ý về đề tài “ Canh tân đời sống thánh hiến” giúp quý Thầy có cái nhìn mới, có ý tưởng để suy tư và cầu nguyện cho đời thánh hiến của mình.
1/ Sám hối và kiểm điểm đời sống.
Trong đời sống thánh hiến, tội lỗi luôn tìm cách để xâm nhập, để làm cản trở và làm giảm bớt tình yêu giữa chúng ta với Thiên Chúa. Vì thế Chúng ta cần phải sám hối và kiểm điểm đời sống hằng ngày với Thiên Chúa. Chúng ta cần sám hối theo ba bước sau:
a/ Từ tình trạng tội lỗi đến tình trạng ơn nghĩa.
b/ Từ tình trạng nguội lạnh đến nhiệt thành
c/ Sám hối từ nhiệt thành đến thánh thiện.
- Kiểm điểm lại đời sống
Người thánh hiến cần phải xét mình hằng ngày, kiểm điểm chính mình vào mỗi tối, mỗi lần xưng tội và mỗi lần tĩnh tâm. Từ đó nhận ra được những yếu đuối, những sai trái, những khuyết điểm và những lầm lỗi của mình để được Chúa tha thứ, canh tân và biến đổi từng ngày. Bên cạnh thì cần quyết tâm gạt bỏ đi tính ghen tuông, tính tự cao của mình để nhận ra được tình yêu Thiên Chúa nơi chính anh em mình.
- Phải vui mừng với thành công của người khác.
- Tôi sẽ hiến thân hạ mình với anh em.
- Phải cố gắng để đạt, không do chỉ định của người khác mà do Chúa quyết định.
Vì thế anh em phải quyết tâm cải thiện đời sống của mình. Đặc biệt là đời sống thiêng liêng: đó là đối với Chúa, đối với anh em và đối với chính mình.
2/ Say mê Thiên Chúa và yêu thương nhân loại.
Đời sống thánh hiến như sống lời khuyên phúc âm, là lối sống bắt nguồn từ chính Chúa Kitô. Đời sống thánh hiến cũng là một lối sống phúc âm nghĩa là trở về với Chúa Giêsu, mầm mống của đời sống thánh hiến là bí tích rửa tội và mục đích chính là lấy phụng sự và tình yêu Thiên Chúa, phải cầu nguyện, hoán cải và làm gương sáng.
3/ Theo Chúa một ơn gọi nên thánh.
Nên thánh là tiếng gọi từ trời cao dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai sống đời thánh hiến. Người tu sĩ xem việc thánh hóa bản thân như một đòi hỏi cấp bách và khẩn thiết. Thánh hóa bản thân để từng ngày sống trở nên hoàn thiện hơn như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48).
Sự thánh thiện trong Giáo Hội được bắt nguồn từ sự thánh thiện của Chúa Kitô, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được ca tụng là Đấng Thánh duy nhất. Như vậy, trong đức tin, chúng ta nhìn Giáo Hội với một hình ảnh vô cùng xinh đẹp. Một vẻ đẹp lộng lẫy, phong phú và đa dạng bởi bao gồm vẻ đẹp thánh thiện của các phần tử. Hơn nữa, mỗi phần tử trong Hội Thánh phải có bổn phận nên thánh và nhiều người đã nên thánh một cách anh hung qua đời sống bác ái, qua phúc tử đạo hoặc qua đời sống tu trì, làm nên vẻ đẹp tròn đầy của một Giáo Hội thánh thiện.
Như vậy, có nhiều phương cách thực hành sự thánh thiện, nhưng ơn gọi thánh hiến với các lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục vẫn được xem như việc thực hành mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội. Ơn gọi thánh hiến muôn đời là ân ban của Thiên Chúa, vì thế, đừng quên việc Thiên Chúa kêu gọi cộng với ơn công chính hóa của Chúa Kitô xuất phát từ tình yêu Chúa, chứ không do công riêng của mỗi người. Ý thức như thế, người tu sĩ được mời gọi sống xứng đáng như một vị thánh; biết dùng hoa trái của Chúa Thánh Thần để thánh hóa chính mình, hầu đạt tới đời sống trọn lành.
Bên cạnh việc thánh hóa bản thân, người tu sĩ còn được mời gọi mưu ích cho tha nhân, qua sự đối đãi với mọi người bằng đức ái của Chúa Kitô. Muốn như thế, người sống đời thánh hiến không thể bỏ qua việc tập luyện các nhân đức. Thực tế, đức ái là sợi dây liên kết sự trọn lành. Sống đức ái hoàn hảo là người môn đệ chân chính của Đức Kitô. Tóm lại, nên thánh là một hồng ân đòi hỏi ta phải cầu xin và cộng tác với ơn Chúa.
Vai Trò Của Các Thầy Nơi Cộng Đoàn Giáo Xứ. Giáo Hội gọi người tu sĩ là người được thánh hiến. Công đồng Vat. II đã coi đời thánh hiến của các tu sĩ là phương thế kết hiệp một cách đặc biệt với Giáo hội và với Mầu nhiệm Giáo hội, do đó đời thánh hiến luôn nỗ lực đem lại lợi ích cho Giáo hội (x. LG 44). Việc mưu cầu đó được thể hiện bằng cách “bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo hội nếp sống Con Thiên Chúa đã nhận khi Người xuống thế để thi hành Thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người” (LG 44). Người tu sĩ còn họa lại hình ảnh Chúa Kitô qua ba lời khuyên Phúc Âm nhằm làm hiện thực nếp sống của Người. Họ hiến thân hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Giáo Hội luôn luôn coi việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một con đường đặc biệt đưa tới sự thánh thiện. Chính những kiểu nói Giáo Hội dùng để chỉ định nó – như trường dạy phụng sự Chúa, trường dạy yêu thương và sống thánh thiện, đường hoặc bậc hoàn thiện, cho thấy lối sống Tin Mừng này rất có hiệu năng và dồi dào phương tiện, đồng thời cũng cho thấy nghĩa vụ đặc biệt của những người cam kết gia nhập đời sống này. Không phải vô cớ mà qua các thời đại, một số lớn những người tận hiến đã để lại những chứng tá hùng hồn về sự thánh thiện và đã hoàn thành những công tác truyền giáo và phục vụ rất quảng đại và cam go (VITA CONSECRATA, số 35). Nói gọn lại, việc thánh hiến và sứ vụ nơi người tu sĩ được gắn chặt với nhau nhằm thông truyền ơn cứu độ cho nhân loại.
4/ Đời sống cộng đoàn trong đời tu
Đời sống thánh hiến là đời sống say mê Thiên Chúa và yêu thương nhân loại. Đời tu thì ngoài ba lời khuyên phúc âm còn có yếu tố khác là đời sống cộng đoàn, tuy khác nhau về mọi mặt nhưng cùng chung một lý tưởng là Đức Giêsu.
Mỗi người đều có khuyết điểm và yếu đuối, cho nên đời sống cộng đoàn có thể đưa ta lên thiên đàng, có thể đưa ta xuống hỏa ngục, có thể đưa ta đến niềm vui và có thể làm ta đối xử bất công và đau khổ…
Vì thế muốn làm lớn là người phải phục vụ anh em. Đời sống cộng đoàn phải đưa đến sự hiệp nhất với nhau, phải lấy Chúa Giêsu làm điểm tựa là sự nối kết ta lại với nhau và sự hiệp nhất này là hoa trái của Chúa Thánh Thần,là sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Hãy cùng hiệp nhất để xây dựng và đưa ra hướng đi mới như:
a/ Có cái nhìn mới
Hãy tập cho mình có cái nhìn mới về Đức Giêsu, về đức tin, phải cảm thông cho nhau, xây đắp và xây dựng cộng đoàn bằng yêu thương.
b/ Lời dạy, giáo huấn của Đức thánh cha Phanxicô
Kiên nhẫn trong đời sống cộng đoàn, đừng vội đưa ra lời phán xét, đừng nóng nảy khi giải quyết sự việc. Cần sống tình huynh đệ và không được nói xấu nhau, hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau và phải có lòng tha thứ và sống bác ai với nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con luôn có đức tin vững mạnh để vượt qua những sóng gió,những thử thách trong đời sống thánh hiến. Biết rằng đời sống cộng đoàn luôn gặp những khó khăn như: hiểu lầm nhau, ghanh đua nhau, không công bằng… Vì vậy xin Chúa giúp chúng con quyết tâm sống tha thứ cho nhau, kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau và cùng nhau chia sẻ vui buồn để đưa cộng đoàn ngày một thăng tiến hơn, không chỉ về đời sống bề ngoài mà chú tâm về đời sống thiêng liêng nhiều hơn.