Chia SẻKinh Nghiệm Mục Vụ GL

Đấu tranh để có lòng cảm thông và quảng đại

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường để cho mình quá bận tâm đến những vấn đề của mình nên khó hoà hợp với người khác khi họ không có những giá trị và phẩm chất mà chúng ta tự gán cho mình. Tóm lại, thật khó để sống cảm thông thật sự, vì chúng ta luôn héo mòn với những nhức nhối trong lòng và những bực phiền trong đầu. Chúng ta hãy nhìn vào nhận thức sáng suốt của hai nhà trí thức lừng danh, một người về triết học và người kia về tâm lý học.

Như chúng ta biết, René Descartes, triết gia người Pháp có câu nói nổi tiếng, rằng tất cả suy tư thật sự đều phải được bắt đầu với kinh nghiệm riêng của mình. “Tôi suy tư, vì thế, tôi hiện hữu”. Lập luận của ông như sau: Bỏ qua tất cả các hoài nghi, thì sự gì là điều duy nhất mà bạn có thể biết chắc là nó có thật? Câu trả lời của ông là: Tâm trí của bạn. Bạn biết tâm trí của bạn là có thật, vì bạn đang ở trong tâm trí đó. Bạn có thật, bạn có thể chắc chắn như thế, nhưng cũng có thể là bạn đang tưởng tượng hay đang mơ thì sao. Nhiều thế kỷ sau, Sigmund Freud, trong một hướng khác, về cơ bản, cũng đã đạt đến một kết luận tương tự. Theo Freud, chúng ta luôn luôn quá bận tâm lo lắng đến độ không thể nhìn ra cuộc sống của những người khác cũng thật như cuộc sống của mình vậy.

Nếu thật như thế, và chắc chắn điều này có điểm đúng, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta phải đấu tranh chật vật để có được lòng cảm thông và quảng đại chân thật, vì cả hai, chính xác là năng lực có thể hòa hợp các đau buồn và vấn đề của người khác với những đau buồn và vấn đề của mình theo một mức độ hiện thực và quan trọng tương đương. Nhưng thật khó để làm được thế: Thật khó để cho người khác mà không tư lợi. Thật khó để có những động cơ hoàn toàn thuần túy trong việc phục vụ tha nhân. Thật khó để hiểu đau buồn của người khác hệt như hiểu nỗi đau của mình. Thật khó để hoàn toàn vị tha.

Tại sao lại thế? Thông cảm và thấu cảm không phải là bản chất của chúng ta hay sao? Thông cảm và thấu cảm là bản chất của chúng ta, nhưng cũng như các thứ khác, chúng trộn lẫn với nhiều thứ khác nữa. Vậy đó là những thứ gì?

Thứ nhất, thông cảm và thấu cảm trộn lẫn với những bản năng sinh tồn căn bản hơn của chúng ta. Chúng ta không được sinh ra với lòng rộng lượng và cảm thông, mà sinh ra trong thiếu thốn, đói khát, và mang thiên hướng bản năng là phải sinh tồn. Khi mới sinh, chúng ta quá đỗi thèm khát sinh tồn, rằng mình phải lớn lên và được người khác công nhận. Tự nhiên đưa chúng ta vào đời theo cách như thế để chắc chắn rằng chúng ta sẽ làm những gì cần thiết để sinh tồn, và chính điều này đã làm suy giảm đi nhiều lòng cảm thông. Hơn nữa, không chỉ là do tự nhiên, mà những trải nghiệm đầu đời cũng sớm gây hại cho năng lực cảm thông của chúng ta. Đơn giản là, chẳng ai yêu một cách trong trắng và trọn vẹn, và rất lâu trước khi trưởng thành, tất cả chúng ta đã đánh mất sự toàn vẹn của mình rồi. Khi đã trưởng thành, tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đó, bị tổn thương, sợ hãi, và từ đó đi theo thói quen thu vén cho mình, làm yếu đi lòng cảm thông.

Chúng ta đến với thế giới này với một khả năng thích nghi mạnh mẽ. Khi còn thơ ấu, tất cả mọi bản năng trong ta vận động vì sự sống và vì thế, một cách vô thức, chúng ta làm bất kỳ việc gì và dung nạp bất kỳ thứ gì (thức ăn, chỗ ở, áo quần, ngôn ngữ, môi trường) vì mục đích duy nhất là được tiếp tục sống. Việc dung nạp làm khi còn nhỏ, giúp bảo đảm sự sinh tồn nhưng cũng gây vết thương cho chúng ta và khiến ta về sau khó có được lòng thương cảm thật sự.

Vậy chúng ta có thể làm gì được đây? Không có câu trả lời dễ dàng nào cho vấn đề này, cả về mặt tâm lý lẫn thiêng liêng, và dù có câu trả lời, cũng chẳng hữu dụng gì. Chúng ta đang phải đối mặt với những bản năng thâm căn cố đế và sẽ không dao động chỉ vì chỉ hiểu nó về mặt lý thuyết. Và chúng ta còn phải xử trí với những vết thương cần được chữa lành bằng tâm hồn nữa. Xét cho cùng, điều sẽ chữa lành và mở rộng tâm hồn chúng ta với lòng thông cảm và quảng đại đích thực chính là cảm nghiệm về một tình yêu chân thật, không vụ lợi. Nhưng không thể làm cho người khác thương mình theo cách này và chúng ta đấu tranh dữ dội để cảm nhận tình yêu Chúa dành cho mình khi người khác không thương chúng ta theo cách này. Hơn nữa, chúng ta kẹt trong vòng luẩn quẩn, vết thương cần được chữa lành bằng tình yêu lại chính là những điều khiến người khác khó thương chúng ta. Câu trả lời vẫn là tình yêu. Tình yêu sẽ cho mỗi người nên trọn vẹn, nhưng chúng ta không thể muốn tình yêu này cho bản thân mình. Vậy phải làm gì?

Trước hết, chúng ta chấp nhận mình có vấn đề này, chấp nhận sự không vẹn toàn, chấp nhận tổn thương của mình, chấp nhận mình quá bận tâm lo lắng cho mình, và chấp nhận sự thiếu cảm thông của mình. Đó là bước khởi đầu. Rồi, chúng ta có thể khiêm tốn nhờ người khác giúp đỡ, gia đình, bạn bè, các nhóm trị liệu, các liệu pháp. Thật tâm yêu cầu xin giúp đỡ, thường sẽ có ích cho chúng ta. Đi kèm đó, ta nên năng đến với người túng thiếu (đủ loại) và đặt mình vào những thiếu thốn của họ, điều này sẽ giúp chúng ta thấm nhập vào phép thanh tẩy của lòng cảm thông và rộng lượng. Chỉ có một ít điều có sức mạnh kéo được chúng ta ra khỏi các tổn thương của mình và giúp ta sống quên mình, trong đó có việc đối diện với những người túng quẫn. Cuối cùng, chúng ta cần phải tìm kiếm sự trợ lực từ Thiên Chúa bằng cầu nguyện, cậy vào sự toàn vẹn của Thiên Chúa, xin Chúa làm cho mình những việc mà ta không thể tự làm, cụ thể là xin cho chúng ta nhìn ra người khác cũng hiện hữu thật như chúng ta.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: Giáo phận Long Xuyên

Related Articles

Close