Linh Đạo
I. LINH ĐẠO LÀ GÌ?
Về mặt từ ngữ, linh đạo trong tiếng Việt được dịch từ spiritualité trong tiếng pháp. Trong thần học công giáo, hạn từ spiritualité chỉ về đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng, đời sống tinh thần.
Đời sống tâm linh có thể hiểu theo ba nghĩa khác nhau:
- Hiểu về một đời sống đối nghịch với đời sống vật chất, chẳng hạn như suy tư, lý luận, yêu mến là những sinh hoạt tinh thần.
- Hiểu về một đời sống siêu nhiên ở mọi cấp độ, khác biệt và cao hơn đời sống tự nhiên của con người.
- Hiểu về một đời sống siêu nhiên ở cấp độ cao.
Ngoài ra hạn từ linh đạo cũng thường được hiểu là một ngành thần học suy tư về những vấn đề có liên quan đến đời sống tâm linh Kitô giáo, hay về một đường lối sống đạo.
Khi nói về đời sống tâm linh trong bậc tu trì, chúng ta thường gặp ba hạn từ có liên hệ mật thiết với nhau về ý nghĩa:
- Đoàn sủng hay đặc sủng: đây là một hạn từ có nguồn gốc từ Kinh thánh (x. 1Pr 4,10), được Giáo hội dùng để chỉ về một ân sủng đặc biệt (x. LG 12, 30; ET 11), về một trực giác do Chúa Thánh Thần ban cho các Đấng Sáng Lập Dòng. Những vị này đón nhận ân sủng đó và cảm thấy được mời gọi bước theo Chúa Kitô để thực thi một giáo huấn hay sống theo mẫu gương của Ngài, hầu phục vụ Giáo hội và nhân loại một cách mới mẻ theo nhu cầu của thời đại và hoàn cảnh.
- Linh đạo: thông thường các Đấng Sáng Lập chỉ vạch ra những đường nét cơ bản về linh đạo của Dòng. Linh đạo ấy được làm phong phú thêm qua dòng lịch sử nhờ sự đóng góp của những thành viên lỗi lạc với những sáng kiến và những kinh nghiệm mới phù hợp với tinh thần của Đấng Sáng Lập. Như vậy linh đạo có nghĩa rộng hơn đoàn sủng, vì đoàn sủng chỉ diễn tả trực giác tiên khởi của Đấng Sáng Lập và những nét nồng cốt của linh đạo, còn linh đạo của Dòng phát sinh do sự tăng trưởng của đoàn sủng.
- Tinh thần: trong các văn kiện công đồng và giáo luật thường khuyên các tu sĩ hãy trung thành với tinh thần của Đấng Sáng Lập (x. LG 45, PC 2, GS 40). Trong văn mạch của những văn kiện này, chúng ta có thể hiểu tinh thần của Đấng Sáng Lập là tâm thức, đường lối, cảm nghĩ và ứng xử của Đấng Sáng Lập mà các thành viên tiên khởi của Dòng đã học được và truyền lại cho hậu thế cách trung thực.
Xét về mặt lịch sử, linh đạo Kitô giáo luôn có hai phương diện:
- Phương diện cơ bản đó là giáo huấn của Chúa Kitô và những phương thế đã được Ngài thiết lập và ấn định. Không ai có thể sống thánh thiện nếu đi ngược lại với giáo huấn của Đức Kitô.
-
Phương diện thứ hai là phương thức áp dụng giáo huấn cũng như những phương thế của Chúa Kitô vào đời sống cụ thể của mỗi con người trong những hoàn cảnh, thời gian và không gian khác nhau. Dưới khía cạnh này, linh đạo Kitô giao đã có những biến chuyển rất sâu rộng. Và đó cũng chính là lý do để có nhiều nền linh đạo khác nhau, tuỳ theo mỗi Dòng tu.
II. NỀN TẢNG CỦA LINH ĐẠO KYTÔ VUA
1. Nền tảng trong đoàn sủng
Để có thể tìm thấy những đường nét cơ bản về linh đạo Dòng Kitô Vua, trước hết, chúng ta hãy trở về với đoàn sủng của Dòng. Đường nét cơ bản nhất của đoàn sủng Dòng Kitô Vua là: trợ giúp cho hàng giáo sĩ trong việc truyền giáo. Bởi lẽ ơn gọi này xuất phát từ nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam thế kỷ 16-17. Ơn gọi này được khởi hứng do Cha Alexandre de Rhode với ý tưởng dùng người Việt Nam truyền giáo cho người Việt Nam. Đó chính là Ơn Gọi Thầy Giảng. Kể từ năm 1870, hai cha thừa sai Gernot và Ritter áp dụng ơn gọi này tại vùng Cái Nhum khi các ngài khởi sự lập Dòng Thầy Giảng tại đây. Ơn gọi này được mô phỏng theo ơn gọi của 72 môn đệ được chính Đức Giêsu kêu gọi và sai đi trong Phúc Âm thánh Luca 10,1-12.
Như vậy, chính từ trong đoàn sủng của Dòng, chúng ta đã dễ dàng nhận thấy rõ hai phương diện cơ bản trong linh đạo:
- Sống giáo huấn của Đức Kitô với lệnh truyền: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sẽ sai anh em như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Thánh sử Luca là người duy nhất thuật lại cho chúng ta sứ vụ này của 72 môn đệ. Trước đó, trong chương 9 câu 1-6, thánh Luca cũng đã ghi lại sứ vụ tương tự của nhóm Mười Hai. Như vậy ở đây rõ ràng có một sự phân biệt giữa nhóm Mười Hai và nhóm những môn đệ khác. Và đối với thánh Luca, sứ vụ truyền giáo cũng được Đức Giêsu trao cho những môn đệ khác đó. Hơn nữa, bối cảnh Đức Giêsu đưa ra như động lực cho ơn gọi này là: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Lc 10,2).
- Trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam trong thế kỷ 16-17, cha Alexandre de Rhode đã rất khôn khéo áp dụng ơn gọi này để có thêm những con người hăng say truyền giáo, giữa lúc các cha thừa sai không có đủ sức lực và thời giờ để dạy giáo lý cho tân tòng. Chính nhờ việc áp dụng ơn gọi này mà lúc đó, các cha thừa sai có được rất nhiều sự trợ giúp đắc lực trong việc truyền giáo. Từ đó, ơn gọi Thầy Giảng Việt Nam ra đời. Đây chính là phương diện thứ hai trong linh đạo kitô giáo.
2. Nền tảng từ Tin mừng
Chính trong hoàn cảnh Giáo hội Việt nam đang thiếu các thừa sai, đồng thời gặp những lúc bị bách hại gắt gao, “tổ chức thầy giảng đã được thành lập để trả lời cho những đòi hỏi lúc đó. Tất cả trách nhiệm trông coi giáo đoàn, giảng dạy tân tòng đều đặt vào tay các thầy với sự giúp đỡ của tông đồ giáo dân. Không thể họp chung ở nhà thờ, xứ đạo của kinh thành 6 phố phường, được phân làm 6 xóm đạo, ngày chủ nhật, lễ trọng, họ bí mật hội ở các tư gia để đọc kinh, nghe giảng.”
“Tổ chức Thầy Giảng tại GHVN được cả thế giới kính phục. Các Thầy rất đắc lực trong việc dạy giáo lý, chủ sự giờ kinh, thăm viếng người bệnh, khích lệ người khô khan, nhắc nhở các trùm trưởng, rửa tội người hấp hối và cả những người khỏe mạnh, nếu vắng các thừa sai. Các Thầy là chỗ dựa của các giáo đoàn, khi các Thừa Sai bị trục xuất”. Tại miền nam, “dầu không có các linh mục trong suốt 7 tháng sau đó, vẫn tiếp tục và càng hăng say trong công cuộc Truyền giáo. Các Thầy đã rửa tội thêm được 200 người, và đang dạy thêm 200 người khác. Nguyên một năm 1647, các thầy đã rửa tội được 400 người. Tính đến cuối năm 1648 đầu năm 1649 giáo hội Đàng Trong đã có được 60,000 tín hữu.”
Như vậy, các thầy giảng việt nam đã hiến dâng cả cuộc đời cho ơn gọi này. Các thầy giảng đã sống như muối như men giữa lòng dân tộc để làm chứng cho Đức Kitô. Rõ ràng đây là một đòi hỏi của tin mừng: “Anh em là muối cho đời” (Mt 5,13; xc. Mt 13,33; Lc 13,20-21). Đây chính là đường nét căn bản trong linh đạo thầy giảng: con đường như muối như men.
3. Yếu tố lịch sử
Thực tế lịch sử cho thấy các tu sĩ dòng Kytô vua đã sống triệt để con đường như muối như men. Khi xưa, các Thầy được cử đến những nơi, những vùng đất hoàn toàn là lương dân, chưa ai là Kitô hữu. Tại đây, bằng đời sống chứng tá “như muối như men giữa đời”, các Thầy khởi sự truyền giáo bằng việc “dạy chữ làm phước” cho con em nhà nghèo. Dần dà, khi đã có được cảm tình của những người xung quanh, các Thầy bắt đầu cắt nghĩa thêm về giáo lý cho ho. Chính bằng cách thức này mà rất nhiều họ đạo mới đã được thành lập , làm nên một trang sử hào hùng của Dòng Kytô Vua.
Sau đây là lời tâm sự của một tu sĩ Dòng Kytô vua: “Suốt 40 năm truyền giáo rày đây mai đó, từ họ này sang họ kia, lận đận lao đao, gặp biết bao nghịch cảnh, nhiều lần phải ngậm đắng nuốt cay, lắm lúc phải màn trời chiếu đất. Từng chuỗi ngày phải ẩn náu dưới lều tranh vách lá, qua nhiều đêm lạnh lẽo gió sương… Tôi nói lên nỗi niềm đau khổ đời truyền giáo không phải để các bạn ngã lòng hay run sợ, mà để phấn khởi tinh thần của các bạn qua những ơn hộ giúp Chúa ban cho con người yếu đuối của tôi.”
III. CÁCH THỨC SỐNG NHƯ MUỐI NHƯ MEN
Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa chính yếu trong hai ví dụ mà Đức Giêsu đưa ra: muối, men. Theo quan niệm của người Do thái, công dụng chính yếu của muối là chất bảo tồn thực phẩm. Như vậy, người môn đệ của Đức Giêsu “là muối cho đời” nếu nhờ họ mà thế gian trung thành với lề luật của Thiên Chúa. Còn dụ ngôn men trong bột nhằm nói lên tác động từ bên trong nhằm biến đổi thế giới.
Như vậy cả hai hình ảnh trên đều nói lên lý do tồn tại của muối và men là gây nên một tác động tốt. Nhưng để có được tác động tốt, trước hết, muối và men phải hoà mình vào trong thực phẩm và phải chịu hao mòn, tan biến dần đi. Người môn đệ của Đức Kitô muốn sống con đường như muối như men cũng phải hoà mình vào trong cộng đồng nhân loại, đến với mọi người, với tinh thần của Tin mừng. Đồng thời, nhằm biến đổi thế giới, biến đổi con người và mang ơn cứu độ đến cho họ, người môn đệ của Đức Kitô cũng phải biết hy sinh tất cả, đôi khi cả mạng sống của mình.
Khía cạnh thứ hai cũng cần phải nói đến, đó là thân phận tầm thường, nhỏ bé của muối và của men. Hạt muối hạt men thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của chúng bên cạnh thịt cá rau củ hay trong thúng bột. Người môn đệ Đức Kitô sống con đường như muối như men cũng sẽ chấp nhận một cuộc sống giản đơn tầm thường, đôi khi là nhỏ bé không đáng kể trước mắt người đời: không màng danh vọng, lợi lộc… thậm chí còn bị khinh rẻ và chối bỏ.
Tuy âm thầm nhỏ bé, nhưng muối và men cũng rất mãnh liệt. Tất cả những gì tiếp xúc với muối, với men sẽ được biến đổi. Người môn đệ Đức Kitô cũng phải mãnh liệt trong đời sống chứng tá, thấm nhuần tinh thần Tin mừng để tất cả những ai tiếp xúc với ta, dù trong môi trường nào, cũng sẽ nhận được một tác động tốt. Đừng bao giờ bị biến chất và trở nên vô dụng.
Người Galilea
Tháng 7 năm 2008