Chia SẻSuy Tư

Đừng Xét Đoán

“Bạn đừng xét đoán người khác. Bởi vì khi bạn xét đoán người khác bạn sẽ không còn thời gian để yêu thương họ nữa”.

Đây là lời của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta không nên xét đoán người khác trong lời nói cũng như trong việc làm của họ. Điều này rất cần thiết trong cuộc đời mỗi người chúng ta; đặc biệt hơn là trong đời sống thánh hiến. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ về điều này.

Từ “xét đoán” đã nói lên một phần tính chất mơ hồ của nó. Xét đoán được ghép bởi hai từ “xét” “đoán”. Xét là tìm hiểu. Đoán là phỏng chừng. việc xét thì khó vì phải tìm hiểu hoàn cảnh, phải kiếm nguyên nhân, phải phân tích để có dữ kiện rõ ràng. Đoán thì dễ hơn , chỉ cần ước lượng là thế, phỏng chừng như vậy. Động từ “đoán” dựa trên những điều không đủ chắc , không rõ sự thật.

Khi xét đoán một người nào đó thì chúng ta sử dụng hai phần là xét và đoán. Thường thì chúng ta sử dụng phần đoán nhiều hơn phần xét và từ đó nhiều sai lầm nảy sinh từ đó. Vậy xét đoán tốt hay xấu?

Xét đoán không tốt cũng không xấu bởi vì nó mang tính chất mơ hồ, có thể trong hoàn cảnh này điều được xét đoán nhưng trong hoàn cảnh khác nó sai hoặc có thể vừa đúng vừa sai. Nhưng cho dù đúng hay sai chúng ta không nên xét đoán người khác. Khi xét đoán người khác chúng ta thường lấy tiêu chuẩn của chính mình để đối chiếu với người khác và khi họ khác với mình thì mình chê, mình trách, trêu chọc họ, mang họ ra làm trò đùa của chính mình, thậm chí chà đạp lên nhân phẩm của họ một cách vô tâm. Rồi khi chúng ta xét đoán không những gây bất công cho kẻ khác làm cho họ mất bình an mà còn làm cho chính bản thân chúng ta không còn thanh thản , tươi sáng nữa, mà vương vấn vì những ý nghĩ đen tối. Chính bản thân mình tự đem mảnh trời u ám mặc lấy vào tâm hồn mình.

Xét đoán làm chúng ta càng ngày càng xa mọi người. Từ đó bức tường ngăn cách cứ thế mà xây cao . Phúc Âm đã thuật lại thái độ của Pharisiêu. “Các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài giảng. Những Biệt Phái và Kinh Sư bèn xầm xì với nhau: Ông ấy tiếp nhận quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15,1-2). Thái độ của những người Pharisiêu luôn luôn là xét đoán. Xét đoán đem đến đối nghịch. Pharisiêu đã tự tách biệt họ ra, nhưng sự tách biệt này lại cô lập chính họ với ân sủng thiêng liêng là chính Chúa. Như thế, chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn mọi người, nên Chúa Cha đã dành quyền xét xử cho một mình Chúa Con mà thôi: “Mọi việc xử án ban cho Con” (Ga 5,22). Cho nên, khi chúng ta phán đoán để xét xử về một người là chúng ta đã giành quyền đó của Chúa. Thánh Giacôbê cũng viết: “Xét đoán anh em là xét đoán Lề Luật”. Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ Luật, mà là Thẩm Phán. Chỉ có một Ðấng lập Luật và là Thẩm Phán, Ðấng có quyền cứu rỗi và tiêu diệt. Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại” (Gc 4,11-12). Chúng ta lấy quyền không thuộc về chúng ta là chúng ta đã tái lập lại tội của Adong, Evà ngày xưa là “muốn trở nên như Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (Kn 3,5). Ý nghĩa sâu xa của tội xét đoán là ở đó, chứ không phải chỉ là gây bất công.

Với chúng ta khi thấy một người sa ngã phạm tội ,làm sai một điều gì đó, thua kém chúng ta hay thậm chí hơn chúng ta la chúng xét án và kết án ngay. Kẻ bị kết án thì đau khổ một mình. Nhưng chúng ta quên con người không ai hoàn hảo,có thể không tại họ mà nguyên nhân của  có thể là do một người khác đã rải gai xuống lối đi của họ. Biết đâu những gai đó đã do chính chúng ta gây ra. Hoàn cảnh, lương tâm của một người là vùng đất vô cùng thánh, chúng ta không thể dẵm chân vào được, chỉ có Chúa mà thôi.

Chúa đã căn dặn chúng ta trong Phúc Âm thánh Gioan rất chi tiết: “Ta không xét xử ai, và nếu ta có xét xử, thì án của Ta chân thật, vì Ta không chỉ một mình nhưng có Ta và Ðấng đã sai Ta” (Ga 8,15-16). Trong mọi biến cố, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha, rồi thi hành ý của Chúa Cha. Riêng việc xét xử, thì chẳng những Chúa xét xử theo ý Chúa Cha, hơn nữa, Chúa không xét xử một mình, mặc dù đã được Chúa Cha trao quyền, mà Chúa lại còn xin Chúa Cha xét xử cùng với mình.

Cách cư xử cẩn thận của Chúa làm chúng ta lo sợ vì đã bao lần chúng ta quá coi thường, xét xử anh em mình. Thánh Phaolô cũng căn dặn chúng ta: “Chính điều ngươi xét đoán kẻ khác, ngươi kết án chính mình ngươi” (Rom 2,1).  Khi chúng ta  xét đoán người khác là chúng ta “khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Chúa” (Rom 2,4).

Cuối cùng, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng từ bỏ sự xét đoán anh em mình, người thân mình hay thậm chí kẻ thù của mình, hãy tha thứ tất cả, bỏ qua tất cả những lỗi lầm thiếu sót của họ bởi vì : Nếu chúng ta cần lòng nhân từ của Chúa thì tại sao lại khinh thường lòng nhân từ của Chúa với người khác? Nếu chúng ta cần lòng kiên nhẫn của Chúa để chúng ta có thời gian làm lại cuộc đời sau khi lầm lỗi thì tại sao chúng ta lại khinh thường lòng kiên nhẫn của Chúa với người khác? Và nếu chúng  cần lòng quảng đại của Chúa đối với sa ngã của con thì tại sao con lại khinh thường lòng quảng đại của Chúa với người khác?

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con như một dấu ấn của tình yêu thương, xin cho chúng con biết tôn trọng và yêu thương người khác vì họ là hình ảnh của Chúa, nhờ đó chúng con thực thi điều Chúa dạy và xứng đáng được gọi là “bạn hữu của Chúa”. Xin cho chúng con giống như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu luôn luôn yêu mến Chúa và tha nhân. Amen.

Inhaxio Loyola Lê Minh, CCK.

Related Articles

Close