Ơn Gọi Dòng Kito Vua

Ơn gọi Dòng Kitô Vua xuất phát từ nhu cầu truyền giáo tại Vịêt Nam thế kỷ 16-17. Ơn gọi này được khởi hứng do Cha Alexand de Rhode với ý tưởng dùng người Việt Nam truyền giáo cho người Việt Nam. Đó chính là Ơn Gọi Thầy Giảng. Ơn gọi này được mô phỏng theo ơn gọi của 72 môn đệ được chính Đức Giêsu kêu gọi trong Phúc Âm thánh Luca 10,1-12. Kể từ năm 1870, hai cha thừa sai Gernot và Ritter áp dụng ơn gọi này tại vùng Cái Nhum khi các ngài khởi sự lập Dòng Thầy Giảng tại đây. Kể từ đó, Hội Dòng này vẫn luôn hoạt động và phát triển. Ngày nay, danh hiệu của Hội Dòng đã được đổi thành Dòng Kitô Vua, nhưng đoàn sủng của Hội Dòng thì không hề thay đổi, mà vẫn luôn là: “trợ giúp cho hàng giáo sĩ trong việc truyền giáo”.

Khía cạnh nổi bật và chính yếu nhất của ơn gọi Dòng Kitô Vua là dạy giáo lý. Chính vì thế mà có lúc Dòng Kitô Vua được gọi là “Dòng Các Thầy Giáo Lý Cái Nhum”.

Trải qua dòng lịch sử, các tu sĩ Dòng Kitô Vua luôn ý thức để sống ơn gọi này. Các Thầy luôn sẵn sàng tham gia vào các lớp giáo lý khác nhau:

Từ các lớp chuẩn bị cho các em thiếu nhi lãnh các Bí Tích tại các họ đạo.
Cho đến các lớp giáo lý vào đời, dự bị hôn nhân.

 

Có khi các Thầy tổ chức dạy cho một lớp học đông đảo gốm mấy chục em.
Cũng có khi lớp học chỉ có vài ba người cho những trường hợp không đủ điều kiện để học tập trung dài hạn.

Thậm chí, các Thầy còn luôn sẵn sàng dạy giáo lý cần kíp cho những người “giữa đạo tắt”. Thông thường đối với những trường hợp này, các Thầy phải đến tận nhà để dạy giáo lý cho họ. Các tu sĩ Dòng Kitô Vua thi hành sứ vụ này nơi các họ đạo, đặc biệt là những họ nghèo ở vùng hẻo lánh xa xôi. Chính vì thế mà tu sĩ Dòng Kitô Vua cũng đóng vai trò như một Thầy giúp họ (giúp xứ).Khi xưa, các Thầy còn được cử đến những nơi, những vùng đất hoàn toàn là lương dân, chưa ai là Kitô hữu. Tại đây, bằng đời sống chứng tá “như men giữa đời”, các Thầy khởi sự truyền giáo bằng việc “dạy chữ làm phước” cho con em nhà nghèo. Dần dà, khi đã có được cảm tình của những người xung quanh, các Thầy bắt đầu cắt nghĩa thêm về giáo lý cho họ. Chính bằng cách thức này mà rất nhiều họ đạo mới đã được thành lập, trải dài từ Đà Lạt đến tận Tây Ninh và Trà Vinh. Đó chính là kết quả rất đáng khích lệ cho ơn gọi Dòng kitô Vua.

 

Di ảnh và bút tích của Thầy Dominique Nguyễn Văn Vinh (tự sạch) người đã lập 17 họ đạo mới.

Bảng ghi ơn tại họ D’ran Giáo phận Đà Lạt

Di ảnh Thầy André Mừng Tại họ Đa Lộc, Đà Lạt

 

Ngoài ra, các Thầy còn tập hát cho ca đoàn tại các họ đạo, nơi các Thầy đang giúp.

Hoặc thành lập các đội văn nghệ, kịch trường để minh hoạ cho các đề tài giáo lý, minh hoạ cho các ngày lễ
Ơn gơi Dòng Kitô Vua tuy chỉ là ơn gọi Thầy Giảng (ngày nay người ta quen gọi là ơn gọi tu huynh), nhưng lại rất đặc biệt. Bởi lẽ ơn gọi này phát sinh ngay trên mảnh đất Việt Nam thân thương trong thời điểm mà việc truyền giáo còn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa ơn gọi này còn đặc biệt ở chỗ có tính thích nghi và cơ động rất cao. Bất cứ nơi nào cần đến là các tu sĩ có thể đi đến, không quản ngại gian khó. Thế nhưng đáng tiếc thay, những năm gần đây, ơn gọi Dòng Kitô Vua lại đang giảm sút rất nhanh. Các tu sĩ Dòng Kitô Vua hiện nay hầu như không còn ai làm việc tại các họ đạo nữa. Tuy nhiên, các Thầy vẫn luôn thao thức về ơn gọi của mình để sẵn sàng tham gia vào các lớp giáo lý khi có điều kiện. Theo nhận định của chúng tôi, nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam vẫn còn đó, vì thế, ơn gọi đặc biệt này của Dòng Kitô Vua vẫn còn lý do để tồn tại.

Kể từ sau năm 1975, Dòng Kitô Vua ngày càng giảm sút về nhân sự. Có đến vài chục năm, Nhà Dòng không hề có một hoạt động nào đáng kể để tuyển lựa và đào tạo nhân sự. Mãi đến năm 1990 mới bắt đầu lai rai có vài người đến tìm hiểu ơn gọi của Dòng. Vào năm 1995, Hội Dòng hoan hỉ đón nhận 7 thành viên mới vào tập viện, lớp đầu tiên kể từ sau ngày đất nước thống nhất. Mọi người rất hồ hởi, vì cứ ngỡ rằng Nhà Dòng sẽ có người kế thừa. Thế nhưng, chẳng được mấy năm sau đó thì số người tìm hiểu ơn gọi trong Hội Dòng lại đột ngột giảm xuống. Trong 7 năm (từ 1998-2005), chỉ duy nhất có một người gia nhập Dòng. Đứng trước hiện trạng đó, những năm gần đây, Nhà Dòng đã nỗ lực đổi mới cơ chế hoạt động và quảng bá hình ảnh của Dòng đến với các bạn trẻ khắp nơi.

Trước hết, chúng phải kể đến việc một số tu sĩ trẻ đã thao thức nghiên cứu nguồn gốc lịch sử của Dòng, cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc sủng của Dòng, rồi in thành sách và quảng bá khi có cơ hội. Bên cạnh đó, Nhà Dòng cũng đã cho in một số tờ rời và phát đến tận tay các bạn trẻ và phụ huynh của các em.

Kế đến, ban đào tạo của Nhà Dòng cũng nỗ lực không ngừng để định hướng lại và thay đổi phương thức đào đạo. Cụ thể, qui trình đào tạo hiện nay cho một tu sĩ sẽ có lộ trình từ sáu đến mười năm. Trong đó, quá trình đào tạo được xắp xếp và qui định cụ thể theo từng giai đoạn: giai đoạn tìm hiểu, giai đoạn nhà tập và học viện.

Nhằm đáp ứng như cầu về nơi chốn xứng hợp cho các em đang được đào tạo, vào năm 2007, Nhà Dòng đã cố gắp tái thiết lại cơ sở Thánh Tâm tại Sài Gòn. Cơ sở này được khánh thành vào ngày 14 tháng 9 năm 2008 và trở thành trung tâm đào tạo của Nhà Dòng, với đầy đủ các phương tiện cần thiết phục vụ cho đời sống nội tâm và tìm hiểu tri thức.

Cũng nhằm mục đích quảng bá về hình ảnh cũng như sứ vụ của Dòng được sâu rộng hơn, từ năm 2004, Dòng Kitô Vua đã thiết lập một trang web riêng. Tuy nội dung trong website chưa được phong phú như mong đợi, nhưng hằng ngày vẫn có hàng trăm lượt người truy cập. Chính vì thế, Dòng Kitô Vua hiện nay đã được rất nhiều người biết đến mà không còn giới hạn trong phạm vi miền tây nam bộ.

Trong hai năm trở lại đây, tại cơ sở chính, ban mục vụ ơn gọi lại tổ chức thêm những kỳ trại hè tìm hiểu ơn gọi, nhằm giới thiệu về ơn gọi Dòng Kitô Vua cho các thanh thiếu niên trong và ngoài giáo phận Vĩnh Long. Mỗi lần kỳ trại hè, đã có hành trăm em đến tham dự trong bầu không khí hoà hứng và say mê.

Chính nhờ những nỗ lực không ngừng ấy mà hiện nay, ơn gọi của Dòng Kitô Vua đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, mỗi năm Dòng Kitô Vua vẫn có một lớp tu sinh khoảng 6 em đệ tử, và một lớp tập sinh. Giai đoạn học viện cũng luôn có trên dưới 10 thầy đang theo học trong các học viện triết học và thần học tại Sài Gòn. Những con số này như một tín hiệu đáng mừng cho Nhà Dòng.

Close